Thông tư 18/2013/TT-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 18/2013/TT-BTC
Ngày ban hành 20/02/2013
Ngày có hiệu lực 05/04/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THANH LÝ RỪNG TRỒNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ THANH LÝ RỪNG TRỒNG KHÔNG THÀNH RỪNG, RỪNG TRỒNG KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG THÀNH RỪNG

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng (sau đây gọi chung là rừng trồng không thành rừng) phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và trong giai đoạn chăm sóc, bảo vệ rừng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước trên diện tích đất được nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng để đầu tư phát triển rừng nhưng không thành rừng do các nguyên nhân bất khả kháng hoặc nguyên nhân khác mà cần phải thanh lý để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng mới hoặc chuyển đổi sang mục đích khác theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Rừng phòng hộ do nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc rừng trên diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhưng không thành rừng.

3. Đối với dự án đầu tư phát triển rừng bằng nguồn vốn ODA và dự án do các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ nhưng không thành rừng mà cần phải thanh lý thì không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Tiêu chí xác định rừng trồng

Tiêu chí xác định rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Xác định nguyên nhân.

1. Nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến rừng không có khả năng thành rừng được xác định theo quy định tại Điều 23 Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: động đất, bão lụt, lũ quét, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh; nắng nóng bất thường, hạn hán, sương muối, gió hại; cháy rừng; động vật phá hoại; dịch sâu bệnh, côn trùng phá hại; các thiệt hại khách quan khác.

2. Nguyên nhân khác (không phải là nguyên nhân bất khả kháng nêu tại khoản 1 Điều này) dẫn đến rừng trồng không thành rừng do cơ quan, đơn vị lập hồ sơ thanh lý rừng trồng xác định. Trong trường hợp này, cơ quan lập hồ sơ thanh lý rừng trồng có trách nhiệm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng xem xét, quyết định.

Điều 4. Nguyên tắc thanh lý rừng trồng

1. Việc thanh lý rừng trồng không thành rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) được thực hiện sau khi có quyết định thanh lý của cấp có thẩm quyền và có phương án sử dụng đất (có dự án đầu tư trồng rừng mới thay thế hoặc chuyển đổi sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch sử dụng đất) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với rừng trồng không thành rừng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn giá trị sinh thái ảnh hưởng xấu đến môi trường hoặc đến diện tích rừng trồng còn lại thì sau khi có quyết định thanh lý của cấp có thẩm quyền, Chủ đầu tư tổ chức thực hiện thanh lý ngay mà không phải chờ có phương án sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Giá trị lâm sản tận thu được xác định theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng.

MỤC II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng không thành rừng đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý.

1. Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc địa phương quyết định đầu tư do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Trong quá trình đầu tư, chăm sóc và bảo vệ rừng, trường hợp do các yếu tố về đất đai, khí hậu, thời tiết và các nguyên nhân khác dẫn đến rừng trồng không thành rừng mà cần phải thanh lý để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng mới hoặc chuyển đổi sang mục đích khác theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải lập đoàn kiểm tra, xác minh hiện trường; trong đó:

[...]