Thông tư 178-TTg năm 1960 về việc thu tiền thủy lợi ở các hệ thống nông giang do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 178-TTg
Ngày ban hành 16/08/1960
Ngày có hiệu lực 31/08/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 178-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THU TIỀN THỦY LỢI Ở CÁC HỆ THỐNG NÔNG GIANG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban hành chính các tỉnh có nông giang.
- Bộ Tài chính, Bộ Thủy lợi và Điện lực, Ban Công tác nông thôn

 

Từ hòa bình lập lại Nhà nước bỏ nhiều tiền để phục hồi các hệ thống nông giang bị địch phá hoại trong chiến tranh và xây dựng nhiều hệ thống nông giang mới. Hàng năm, Nhà nước lại phải đài thọ những chi phí khá lớn để quản lý và tu bổ sửa chữa những hệ thống nông giang nói trên.

Việc Nhà nước hàng năm phải đài thọ chi phí về quản lý và tu bổ sửa chữa những hệ thống nông giang là không hợp lý, vì một mặt nó hạn chế việc tập trung khả năng tài chính để xây dựng nhanh chóng nhiều hệ thống nông giang nơi khác hỗ trợ cho phong trào nhân dân làm thủy lợi nhằm đẩy mạnh công cuộc thủy lợi hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế cải thiện đời sống nhân dân; mặt khác nó gây tư tưởng ỷ lại trong nông dân không phát huy được mạnh mẽ ý thức làm chủ công trình và trách nhiệm tham gia bảo vệ và cải tiến công tác quản lý nông giang, thực hiện tiết kiệm nước để mở rộng phạm vi tưới nước tránh được nhiều lãng phí.

Hiện nay ruộng đất được hưởng nước nông giang chiếm khoảng 1/5 diện tích trồng trọt (400.000 Ha). Hầu hết ruộng đất đó sản lượng cao, thu hoạch bảo đảm, chi phí sản xuất lại ít; thu nhập của nông dân ở đó được khá hơn, đời sống được cải thiện nhanh hơn, trong khi nông dân ở ngoài nông giang mỗi năm phải tốn rất nhiều công sức để chống hạn, chống úng mà thu hoạch có khi không được bảo đảm. Nhưng sự đóng góp của nông dân ở trong và ngoài nông giang không khác gì nhau. Đó là một hiện tượng không công bằng hợp lý, có ảnh hưởng không tốt đến khối đoàn kết giữa nông dân trong và ngoài nông giang, ảnh hưởng không tốt đến phong trào nhân dân làm thủy lợi, tự xây dựng các công trình trung tiểu thủy nông hoặc tự bỏ tiền để sử dụng máy bơm nhỏ tưới ruộng.

Vì những lý do trên, Chính phủ chủ trương thu tiền thủy lợi tức là thu lại số tiền chi về công tác quản lý và tu bổ sửa chữa các hệ thống nông giang.

Sau khi tiến hành thu thí điểm ở hai hệ thống nông giang tưới bằng máy bơm: Lâm thao (Phú Thọ) và Sơn Tây, trong vụ chiêm 1960, nay Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành thu toàn bộ ở các loại hệ thống nông giang bắt đầu từ vụ mùa năm 1960.

Ba hệ thống tưới bằng máy bơm: Lâm thao (Phú Thọ), Sơn Tây, Chương Mỹ (Sơn Tây và Hà Đông) và Nam Nghệ An, đã được chỉ định thu thí điểm trong vụ chiêm vừa rồi phải thu đủ tiền thủy lợi toàn năm; nơi nào vụ chiêm thu chưa đủ hoặc chưa thu thì truy thu cho đủ trong dịp thu vụ mùa. Các hệ thống chỉ mới bắt đầu thu trong vụ mùa này, sẽ thu một nửa số quy định phải thu cho toàn năm.

Sau đây kèm theo đề cương chính sách thu tiền thủy lợi để các tỉnh vận dụng thi hành,  đồng thời liên hệ với thực tế ở địa phương nghiên cứu góp ý kiến giúp trung ương có đủ tài liệu xây dựng và ban hành điều lệ thu tiền thủy lợi chính thức.

Công tác chuẩn bị và tiến hành thu tiền thủy lợi trong vụ mùa này sẽ chia làm hai đợt như sau:

1. Đợt đầu từ 10-8-1960 đến 25-9-1960. Tuyên truyền giáo dục chính sách làm cho cán bộ, nhân dân thông suốt mục đích ý nghĩa của việc thu tiền thủy lợi và đăng ký ruộng đất phân loại định mức thu. Dựa vào đề cương chính sách thu tiền thủy lợi và qua công tác phổ biến giáo dục mục đích ý nghĩa và việc đăng ký ruộng đất phân loại định mức thu, các tỉnh xây dựng đề án biểu thu thích ứng với đặc điểm của hệ thống nông giang trong tỉnh mình, báo cáo các loại diện tích ruộng đất trong nông giang phải trả tiền thủy lợi và số thóc có thể thu được để Liên bộ Tài chính - Thủy lợi và Điện lực xét duyệt.

2. Đợt hai từ 01-10-1960 đến hết tháng 11-1960. Lập sổ thu chính thức và tiến hành thu cùng một lần với thuế nông nghiệp vụ đông.

Giữa hai đợt khoảng từ 25 đến 30-9-1960, Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết đợt đầu và xét duyệt dự án của các tỉnh.

Công tác thu tiền thủy lợi là công tác mới và phức tạp, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của số đông nhân dân và hợp tác xã. Vụ chiêm vừa qua thu hoạch sút kém cũng là một khó khăn. Nhưng quá trình chống hạn, chống úng trong mấy năm qua, nhất là trong việc chống hạn 6, 7 tháng liền không mưa hoặc mưa không đáng kể trong vụ đông – xuân vừa qua, là một thực tế rõ ràng đã làm cho phần đông cán bộ và nhân dân nhận thức được tính chất công bằng hợp lý của việc thu tiền thủy lợi. Đó là thuận lợi căn bản. Nắm vững thuận lợi nói trên kết hợp với quyết tâm lãnh đạo sản xuất vụ mùa đạt thắng lợi nhất định sẽ tiến hành được tốt công tác thu tiền thủy lợi.

Kinh nghiệm thí điểm ở Sơn Tây và Phú Thọ cho biết: có làm được tốt việc phổ biến giáo dục chính sách làm cho cán bộ và nhân dân thông suốt ý nghĩa và mục đích của việc thu tiền thủy lợi thì mới tiến hành việc đăng ký ruộng đất phân loại định mức thu được đúng; và thực hiện việc đăng ký ruộng đất phân loại định mức thu được đúng là đã hoàn thành phần lớn và phần căn bản của việc thu tiền thủy lợi. Như thế công tác trong đợt đầu có tầm quan trọng quyết định cho toàn bộ việc thu tiền thủy lợi thực hiện được tốt.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh có nông giang phải chú trọng lãnh đạo đúng mức công tác này, phải cử một ủy viên đặc trách cùng với các ngành có liên quan: Tài chính, Thủy lợi, ban Công tác nông thôn, Địa chính… chỉ đạo cụ thể và giúp đỡ huyện, xã hoàn thành tốt những công tác nói trên trong thời gian quy định.

Đề nghị Bộ Thủy lợi và Điện lực, Bộ Tài chính:

- Có thông tư Liên bộ hướng dẫn dụ thể Ủy ban hành chính các tỉnh và chỉ thị cho các cấp của ngành dọc, biện pháp cụ thể thi hành thông tư này.

- Cử cán bộ lập thành đoàn xuống phối hợp với tỉnh chỉ đạo điển hình hai loại hệ thống nơi bắt đầu thu: một tưới bằng đập hoặc cống và một tưới bằng ảnh hưởng nước thủy triều.

- Cử cán bộ phụ trách đặc trách theo dõi nắm tình hình chung, kịp thời giúp các tỉnh giải quyết những khó khăn mắc mứu, chuẩn bị hội nghị sơ kết ở trung ương đồng thời nghiên cứu sưu tầm tài liệu để xây dựng điều lệ chính thức trình Chính phủ ban hành trước khi bắt tay vào việc thu tiền thủy lợi.

Đề nghị Ban Công tác nông thôn trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Thủy lợi và Điện lực và Bộ Tài chính, và chỉ thị cho các cấp ở địa phương, làm tốt việc tuyên truyền giáo dục chính sách trong hợp tác xã và nông dân để đảm bảo việc thu tiền thủy lợi đạt được kết quả tốt.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

 

 

ĐỀ CƯƠNG

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ