Thông tư 178/NH-TT năm 1991 hướng dẫn thực hiện quy chế về chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 178/NH-TT
Ngày ban hành 05/10/1991
Ngày có hiệu lực 05/10/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Văn Châu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 178/NH-TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 178/NH-TT NGÀY 5-10-1991 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ VỀ CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI, NGÂN HÀNG LIÊN DOANH HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 189-HĐBT ngày 15-6-1991 ban hành "Quy chế về Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam", Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Trong Thông tư này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1. "Ngân hàng nguyên xứ" là Ngân hàng nước ngoài được thành lập theo luật pháp của nước ngoài có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam;

1.2. "Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài" là một bộ phận của Ngân hàng nguyên xứ được phép hoạt động tại Việt Nam;

1.3. "Chi nhánh phụ thuộc" là một bộ phận phụ thuộc của Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

1.4. "Ngân hàng liên doanh" là Ngân hàng được thành lập bằng vốn đóng góp của bên Ngân hàng Việt Nam (một hoặc nhiều Ngân hàng) và bên Ngân hàng nước ngoài (một hoặc nhiều ngân hàng) trên cơ sở hợp đồng liên doanh, có trụ sở tại Việt Nam;

1.5. "Chi nhánh của Ngân hàng liên doanh" là một bộ phận của Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam;

1.6. "Vốn được cấp" là vốn của Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nguyên xứ cấp để hoạt động tại Việt Nam;

1.7. "Vốn điều lệ" là vốn của các bên Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng nước ngoài đóng góp theo quy định của Điều lệ Ngân hàng liên doanh.

2. Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có thể mở chi nhánh phụ thuộc của mình hoạt động tại Việt Nam khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và chi nhánh phụ thuộc của nó là một pháp nhân.

3. Ngân hàng liên doanh có thể mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngân hàng liên doanh và chi nhánh của nó là một pháp nhân.

II. HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHẤP THUẬN NGUYÊN TẮC VÀ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

1. Hồ sơ xin cấp giấy chấp thuận nguyên tắc gồm:

1.1. Đơn xin cấp giấy chấp thuận nguyên tắc (theo phụ lục 1 và 2).

1.2. Các văn bản kèm theo đơn gồm:

a) Giấy phép hoạt động của Ngân hàng nguyên xứ;

b) Điều lệ hiện hành của Ngân hàng nguyên xứ;

c) Giấy xác nhận của cơ quan có đủ tư cách và thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước nguyên xứ cho phép Ngân hàng nguyên xứ được mở chi nhánh hoặc lập liên doanh tại Việt Nam;

d) Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước nguyên xứ về số vốn điều lệ và vốn thực góp năm hiện hành của Ngân hàng nguyên xứ;

e) Bảng tổng kết tài sản, bảng lỗ lãi và báo cáo tình hình hoạt động 03 năm gần nhất của Ngân hàng nguyên xứ;

g) Phương án hoạt động tại Việt Nam, trong đó xác định kế hoạch hoạt động 03 năm đầu;

h) Lịch sử tóm tắt về quá trình thành lập và phát triển của Ngân hàng nguyên xứ được Ngân hàng Trung ương hoặc Bộ Tài chính xác nhận;

i) Bản tóm tắt quá trình hợp tác giữa Ngân hàng nguyên xứ với các Ngân hàng và các Tổ chức kinh tế Việt Nam;

k) Trường hợp thành lập ngân hàng liên doanh, ngoài các văn bản nêu trên, các bên liên doanh cần gửi cho Ngân hàng Nhà nước dự thảo hợp đồng liên doanh giữa bên Ngân hàng Việt Nam và bên Ngân hàng nước ngoài tham gia Ngân hàng liên doanh;

[...]