Thông tư 174/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn tại 11 xã thực hiện đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 174/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 08/09/2009
Ngày có hiệu lực 08/09/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 174/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ CÁC NGUỒN VỐN TẠI 11 XÃ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH NÔNG THÔN MỚI THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ”

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện công văn số 7032-CV/VPTW ngày 08/4/2009 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thông tư này áp dụng cho các dự án quy hoạch; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; dự án phát triển “mỗi làng một sản phẩm hàng hoá”; dự án đào tạo về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cơ sở xã, thôn bản, cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại tại 11 xã thí điểm thuộc Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (sau đây gọi là Đề án).

Nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án bao gồm vốn ngân sách trung ương; vốn ngân sách địa phương; tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; vốn đầu tư của doanh nghiệp; nguồn lực và ngày công lao động của nhân dân, cộng đồng trong xã để xây dựng “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Việc quản lý vốn được thực hiện như sau:

1. Đối với các đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm từ 50% vốn trở lên thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Đối với các đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn chiếm dưới 50% vốn thì việc thực hiện quản lý vốn do cộng đồng và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tự bàn bạc thống nhất.

3. Đối với các đối tượng do doanh nghiệp đầu tư: các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, dân chủ công khai và minh bạch; chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính - đầu tư - xây dựng của Nhà nước và các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện quản lý vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định của Thông tư này.

Điều 4. Cơ quan Tài chính các cấp, cơ quan quản lý về đầu tư xây dựng công trình cấp trên theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Cơ quan Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn kiểm soát và thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho các dự án đầu tư theo quy định của Thông tư này.

Phần II

CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VỐN

Điều 5. Nguyên tắc huy động và nguồn vốn thực hiện Đề án:

1. Nguyên tắc huy động vốn để thực hiện Đề án:

a) Nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Đề án:

- Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Đề án; riêng nguồn vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí), đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định để lại 100% cho ngân sách xã, nhằm tạo nguồn vốn thực hiện Đề án (nhưng không vượt nội dung chi của Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Huy động sức dân (nhân lực, vật lực) đóng góp tự nguyện, tích cực để xây dựng làng quê của mình (với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm).

b) Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư (nếu vay vốn tại ngân hàng thương mại để thực hiện dự án) và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

c) Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải ưu tiên bố trí vốn và lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu của Trung ương cho các dự án, chương trình trên địa bàn các xã thực hiện Đề án.

2. Nguồn vốn thực hiện Đề án bao gồm:

a) Nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm:

- Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (gồm ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã) bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm, trong đó có vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (gồm: chương trình giảm nghèo; chương trình quốc gia về việc làm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình phòng, chống tội phạm; chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình; chương trình phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh nguy hiểm và HIV/AIDS; chương trình về văn hóa; chương trình giáo dục đào tạo; chương trình 135; dự án trồng mới 5 triệu ha rừng); đồng thời ưu tiên bố trí vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (gồm: hỗ trợ đầu tư trụ sở xã; hỗ trợ chia tách huyện, xã; hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi...) và vốn bố trí cho dự án không nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia được thể hiện trong Đề án phê duyệt.

b) Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có): để đầu tư cho dự án đường đến trung tâm xã chưa có đường giao thông ô tô (thuộc danh mục tại Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003 – 2010 và các Quyết định bổ sung khác của Thủ tướng Chính phủ); đầu tư dự án kiên cố hoá trường, lớp học (theo quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên).

c) Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được trung ương phân bổ cho các tỉnh, thành phố theo chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015 (sau đây gọi là nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước) theo Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 – 2015; Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 – 2015 và các quyết định sửa đổi, bổ sung khác (nếu có)

[...]