Thông tư 17-TC/VI năm 1993 về hướng dẫn cơ chế cấp phát và quản lý vốn cho chương trình Biển Đông - Trường Sa do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 17-TC/VI |
Ngày ban hành | 11/03/1993 |
Ngày có hiệu lực | 11/03/1993 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Nguyễn Sinh Hùng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17-TC/V I |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1993 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẶC BIỆT ĐẢM BẢO CHƯƠNG TRÌNH BIỂN ĐÔNG - TRƯỜNG SA.
Căn cứ vào Quyết định số 252/HĐBT ngày 6/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng thành lập Ban chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Trường Sa.
Căn cứ vào các văn bản báo cáo và kết luận của Ban Chỉ đạo Biển Đông - Trường Sa số 01/ BCĐBĐ-TS ngày 4/8/1992; số 21/BCĐBĐ - TS ngày 24/9/1992; số 32/BCĐBĐ-TS ngày 22/10/1992 và thông báo của Văn phòng Chính phủ số 10/TTg ngày 14/10/1992 "về việc kinh phí cho Trường Sa".
Để đảm bảo cấp phát vốn kịp thời; quản lý vốn chặt chẽ, có hiệu quả; sau khi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, Ngành liên quan, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 17/PPLT ngày 2/2/1993 "về việc cơ chế cấp phát quản lý vốn Biển Đông - Trường Sa".
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp phát và quản lý vốn cho chương trình Biển Đông - Trường Sa như sau:
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẢM BẢO CHƯƠNG TRÌNH BIÊN ĐÔNG - TRƯỜNG SA:
1/ Vốn đảm bảo cho chương trình Biển Đông - Trường Sa thuộc vốn đặc biệt được Nhà nước duyệt. Hàng năm Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân phối chỉ tiêu ngân sách cho các Bộ căn cứ vào khối lượng công việc Nhà nước giao cho các Bộ trong chương trình Biển Đông - Trường Sa.
2/ Bộ Tài chính cấp vốn đặc biệt này qua các Bộ chủ quản để các Bộ cấp phát và thanh toán cho các chủ đầu tư hoặc các đơn vị sử dụng vốn, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư này.
3/ Các Bộ chủ quản phải mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận vốn, thực hiện chi tiêu theo chế độ hiện hành bảo đảm nguyên tắc chế độ tài chính và Pháp luật Nhà nước, hết năm quyết toán với Bộ Tài chính.
II/ CƠ CHẾ CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ CÁC LOẠI VỐN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BIỂN ĐÔNG - TRƯƠNG SA.
A/ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Những công trình xây dựng không có tính chất cấp bách, điều kiện thi công bình thường thì thực hiện theo chế độ quản lý XDCB ban hành theo Nghị định 385/HĐBT ngày 11/7/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
Những công trình có tính cấp bách, điều kiện thi công khó khăn, thời gian thi công phụ thuộc vào thời tiết đi biển.... được vận dụng điều lệ XDCB cụ thể như sau:
1/ Vốn xây lắp
Định mức, đơn giá XDCB áp dụng theo chế độ hiện hành tại nơi xây dựng. Nếu những công việc thuộc công trình (hay hạng mục công trình) nào chưa có định mức, đơn giá, chủ đầu tư phải làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, để xây dựng định mức, đơn giá làm cơ sở lập dự toán và thanh quyết toán công trình. Trường hợp chưa đủ điều kiện xây dựng định mức đơn giá mà công trình phải khẩn trương hoàn thành theo nhiệm vụ, chủ đầu tư trình xin ý kiến Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính chỉ đảm bảo vốn cho các công trình có ghi trong kế hoạch XDCB năm của Nhà nước và Bộ Tài chính đã thông báo chỉ tiêu ngân sách cho Bộ chủ quản, theo các bước : tạm ứng lần đầu; thanh toán khối lượng; cấp bổ sung lần cuối khi quyết toán công trình được duyệt y.
1.1/ Tạm ứng lần đầu: Các công trình có đủ luận chứng kinh tế kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, dự toán được duyệt, có hợp đồng xây dựng, được tạm ứng 30% vốn đầu tư ghi kế hoạch trong năm của công trình. Trường hợp cần phải tạm ứng cao hơn phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo.
Bộ chủ quản duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán do chủ đầu tư lập (đối với những công trình giản đơn, thông dụng). Những công trình quan trọng có ý nghĩa quyết định đến kinh tế chính trị của Quốc gia do Chính phủ phê duyệt (những công trình đó được chỉ định khi duyệt kế hoạch).
Nếu công trình thiếu căn cứ ứng vốn, nhưng do nhiệm vụ cấp bách phải triển khai, chủ đầu tư phải trình Ban chỉ đạo, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Sau khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xét ứng vốn lần đầu. Chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục cần thiết (nêu trên) mới được nhận vốn từ các lần tiếp theo.
1.2/ Thanh toán khối lượng công trình hoàn thành:
Chủ đầu tư căn cứ vào khối lượng công trình hoàn thành theo tiến độ, trong kế hoạch ghi trong hợp đồng xây dựng; khi có biên bản nghiệm thu kèm phiếu giá công trình, thanh toán khối lượng cho bên B theo những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Đối với những công trình hoặc hạng mục công trình thi công ngoài biển (hoặc đảo xa) không có điều kiện nghiệm thu từng phần, hay lập phiếu giá công trình từng giai đoạn, chủ đầu tư phải trình Ban chỉ đạo xin ứng vốn từ lần thứ 2 theo báo cáo khối lượng do chủ đầu tư lập theo tiến độ kế hoạch ; khi có văn bản nhất trí của Ban chỉ đạo, Bộ Tài chính xét cấp ứng vốn tiếp lần 2 để đảm bảo công trình (hạng mục công trình) hoàn thành theo kế hoạch.
Tổng số vốn ứng lần đầu và các lần tiếp theo cho phần xây lắp công trình không quá 85% giá dự toán xây lắp được duyệt trong năm. Số vốn còn lại sẽ giải quyết khi toàn bộ công trình hoàn thành, có quyết toán được duyệt.
2/ Vốn mua sắm thiết bị, phương tiện vận tải, thông tin liên lạc.
Các đơn vị chủ quản căn cứ vào nhiệm vụ Chính phủ giao, lập kế hoạch mua sắm, kế hoạch tài chính gửi Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, đồng thời ký hợp đồng mua hàng.
Trên cơ sở hợp đồng mua hàng và giấy đề nghị ứng tiền, Bộ Tài chính xét ứng vốn cho chủ đầu tư theo các điều khoản ghi trong hợp đồng qua Bộ chủ quản.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng, chủng loại, giá cả vật tư, thiết bị được mua.
Việc thanh quyết toán toàn bộ sẽ được tiến hành khi nghiệp vụ mua hàng kết thúc (đối với thiết bị toàn bộ không cần lắp) theo chế độ hiện hành, vật tư và thiết bị cần lắp sẽ được thanh quyết toán khi công trình xây dựng hoàn thành, báo cáo quyết toán được duyệt y.