Thông tư 17-NN/KTTV/TT-1973 hướng dẫn thi hành Thông tư 186-TTg -1971 quy định cách xử lý và hạch toán đối với một số khoản chi phí liên quan đến giá thành và phí lưu thông do Ủy ban Nông nghiệp Trung ương ban hành

Số hiệu 17-NN/KTTV/TT
Ngày ban hành 30/10/1973
Ngày có hiệu lực 01/01/1974
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương
Người ký Nguyễn Xuân Lâm
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NÔNG NGHIỆP
TRUNG ƯƠNG
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 17-NN/KTTV/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1973

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 186-TTg NGÀY 02-7-1971 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CÁCH XỬ LÝ VÀ HẠCH TOÁN ĐỐI VỚI MỘT SỐ KHOẢN CHI PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG.

Ngày 02 tháng 7 năm 1971, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông tư số 186-TTg quy định cách xử lý và hạch toán đối với một số khoản chi phí liên quan đến giá thành và phí lưu thông thay thế các thông tư số 115-TTg và 75-TTg ban hành năm 1963, 1964.

Thông tư này hướng dẫn cách giải quyết đối với thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn thay cho Thông tư số 28-TT/KV ngày 18-4-1966 của Bộ Nông trường.

I. NẮM VỮNG QUY LUẬT THỜI TIẾT, CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC PHÒNG TRÁNH THIÊN TAI, TRIỆT ĐỂ PHÒNG TRÁNH HỎA HOẠN

Thiên tai như hạn, lụt, úng, gió bão, sương muối đều xảy ra theo quy luật thời tiết nhất định, ở những vùng nhất định. Qua kinh nghiệm sản xuất của tổ tiên ta cũng như qua kinh nghiệm sản xuất của bản thân các xí nghiệp, trong nhiều năm, chúng ta có thể biết tương đối chính xác ở vùng đất nào và trong lúc nào thường xảy ra thiên tai, do đó, chúng ta có thể có biện pháp để ngăn ngừa thiên tai như chống hạn, chống úng bằng các công trình thủy lợi, bằng rừng chắn gió, v.v…. hoặc nếu chưa có điều kiện để ngăn ngừa thiên tai thì phải phòng tránh thiên tai bằng cách thay đổi mùa vụ, thay đổi loại cây trồng, v.v….

Còn sản xuất nhỏ thì làm ăn nhờ trời, bấp bênh, thiệt hại xảy ra còn ít, nhưng càng tiến lên sản xuất lớn mà vẫn sản xuất bấp bênh, không chủ động đối với khí hậu thời tiết và đất đai thì thiệt hại sẽ rất to lớn.

Vì vậy, các xí nghiệp trong ngành, phải nắm vững tư tưởng tích cực tiến công, nắm vững quy luật của khí hậu, thời tiết, chủ động và tích cực phòng tránh thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Phương hướng sản xuất của xí nghiệp, kế hoạch dài hạn cũng như kế hoạch hàng năm đều phải thể hiện tinh thần đó.

Từ nay trở đi, đối với những diễn biến của thời tiết đã thành quy luật thì phải chủ động phòng và tránh. Quy trình kỹ thuật phải đề cập đến các vấn đề phòng tránh đó và chi phí cần thiết để phòng tránh, theo quy trình, sẽ chi và hạch toán vào các khoản vốn thích hợp (vốn kiến thiết cơ bản, kinh phí chuyên dùng hay tính vào giá thành sản phẩm).

Chi những trường hợp đột xuất, thời tiết thay đổi không theo quy luật nào hoặc xảy ra dịch bệnh cho cây trồng và gia súc mà ta chưa có phương pháp phòng và trị thì thiệt hại xảy ra mới được xem là thiệt hại do thiên tai.

Cũng với tinh thần trên, xí nghiệp phải có các biện pháp đầy đủ để phòng hỏa hoạn. Phải có nội quy cụ thể phòng hỏa hoạn ở nơi làm việc, nơi sinh hoạt, giáo dục và đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành nội quy, nghiêm khắc thi hành kỷ luật đối với những người vi phạm nội quy phòng hỏa của xí nghiệp. Nếu không có nội quy phòng hỏa thì giám đốc xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra. Nếu đã có nội quy rồi, đã phổ biến và giáo dục đầy đủ rồi mà chấp hành không nghiêm túc thì thủ trưởng bộ phận phải chịu trách nhiệm và khi xảy ra thiệt hại phải liên đới chịu trách nhiệm với người gây ra thiệt hại.

II. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Thông tư số 186-TTg Thủ tướng Chính phủ quy định: “Hiện nay ở nước ta, chưa thành lập quỹ bảo hiểm sản xuất cho nên tạm thời hạch toán các thiệt hại vào lỗ lãi của xí nghiệp.

Thiệt hại xảy ra trong trường hợp xí nghiệp đã tích cực đề phòng, ngăn ngừa, sẽ được châm chước khi xét hoàn thành kế hoạch lãi”.

Quy định mới này phù hợp với tinh thần chủ động và tích cực để phòng, ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai hỏa hoạn, như đã nói trên. Nếu xí nghiệp để xảy ra thiệt hại thì xí nghiệp phải chịu trách nhiệm và thiệt hại đó hạch toán vào lỗ của xí nghiệp.

Tuy nhiên cũng cần phân biệt các loại thiệt hại để xử lý cho đúng.

Thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn có thể xảy ra cho công trình xây dựng cơ bản, cho tài sản cố định, cho tài sản lưu động của xí nghiệp hoặc làm ngừng trệ công tác của công nhân.

1. Đối với công trình xây dựng cơ bản:

a) Trường hợp công trình xây dựng cơ bản bị thiệt hại có thể phục hồi: số thiệt hại là số chi phí để phục hồi lại công trình co bằng tình trạng trước lúc xảy ra thiệt hại.

Trong trường hợp này, xí nghiệp phải lập dự toán xin bổ sung vốn kiến thiết cơ bản để phục hồi công trình. Khi lập dự toán xin kinh phí phục hồi, phải tính toán phần thu hồi được để trừ bớt đi.

b) Trường hợp bị thiệt hại hoàn toàn không thể phục hồi được nữa, phải thanh lý: số thiệt hại là toàn bộ số vốn đã đầu tư vào công trình đến ngày xảy ra thiệt hại, cộng với chi phí thanh lý, trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được (nếu có).

Sau khi cấp trên duyệt y cho thanh lý, số thiệt hại được quyết toán với nguồn vốn cấp phát.

c) Đối với công trình xây dựng cơ bản bằng vốn tự có của xí nghiệp (quỹ xí nghiệp, quỹ phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi) thì chi phí phục hồi, chi phí thanh lý đều chi bằng quỹ tự có của xí nghiệp. Trường hợp quỹ của xí nghiệp không đủ để phục hồi thì vay vốn ngân hàng (nếu có điều kiện trả nợ cho ngân hàng trong thời gian quy định) hoặc xin ngân sách cấp bổ sung vốn kiến thiết cơ bản (nếu công trình không thuộc đối tượng cho vay của ngân hàng).

d) Đối với công trình xây dựng cơ bản bằng vốn vay ngân hàng thì chi phí phục hồi được giải quyết bằng vốn vay thêm của ngân hàng theo sự thỏa thuận mới giữa ngân hàng và xí nghiệp.

2. Đối với tài sản cố định:

a) Trường hợp tài sản cố định bị hư hỏng, có thể sửa chữa được: số thiệt hại là chi phí để sửa chữa tài sản cố định đó.

- Trường hợp tài sản cố định bị hư hỏng nhẹ thì hạch toán chi phí sửa chữa vào sửa chữa thường xuyên và tính vào giá thành hoặc phí lưu thông.

- Trường hợp tài sản cố định bị hư hỏng nặng phải trung tu, đại tu thì chi bằng nguồn vốn sửa chữa lớn. Nếu vốn sửa chữa lớn không đủ thì vay thêm ngân hàng về sửa chữa lớn (theo chế độ hiện hành).

[...]