Thông tư 17/2007/TT-BTC hướng dẫn Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 17/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 13/03/2007
Ngày có hiệu lực 13/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG

Thi hành Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 /01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán  ra công chúng; hồ sơ chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các trường hợp cụ thể khác.

2. Các thông tin trong hồ sơ phải chính xác, trung thực, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến việc quyết định của nhà đầu tư.

3. Tổ chức phát hành, các tổ chức và cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều 17 Luật Chứng khoán.

4. Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng ở trong nước kết hợp với chào bán chứng khoán ra nước ngoài thì ngoài các tài liệu theo Quy định này phải kèm theo bản sao tài liệu đăng ký chào bán với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi tổ chức phát hành đăng ký chào bán. Tổ chức phát hành phải có văn bản giải trình các điểm khác biệt trong báo cáo tài chính nếu báo cáo tài chính trong hồ sơ đăng ký chào bán ở nước ngoài không được lập theo chuẩn mực kế toán Việt nam.

5. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được lập bằng văn bản gồm 01 bộ gốc và 05 bộ sao y bản chính, kèm theo file điện tử theo địa chỉ do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quy định. Sau khi được chấp thuận về nguyên tắc, tổ chức phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 06 bộ hồ sơ đã được chấp thuận trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.

6. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phải công bố Bản thông báo phát hành trên một tờ báo điện tử hoặc báo viết trong ba số liên tiếp theo mẫu tại Phụ lục số 01A và 01B kèm theo Thông tư này.

7. Tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kèm theo bản xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong toả về số tiền thu được trong đợt chào bán theo mẫu tại Phụ lục số 02A và 02B kèm theo Thông tư này.

8. Hồ sơ theo quy định tại Mục IV Thông tư này được lập thành 2 bản và gửi tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Trường hợp quy định tại khoản 3.2 Mục IV Thông tư này, hồ sơ gồm một bản bằng tiếng Anh, một bản bằng tiếng Việt. Bộ hồ sơ bằng tiếng Anh phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc công ty luật có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam  xác nhận.

9.Trong thời hạn 07 ngày, trước khi thực hiện đợt chào bán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty đầu tư chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về đợt chào bán kèm theo Dự thảo Bản thông báo phát hành theo mẫu tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này. 

10.Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo về đợt chào bán theo quy định tại Khoản 9 Mục I, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận đợt chào bán. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

11. Trong thời hạn 03 ngày, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận đợt chào bán, Công ty quản lý quỹ hoặc công ty đầu tư chứng khoán phải công bố Bản thông báo phát hành trên một tờ báo điện tử và trong ba số liên tiếp của một tờ báo viết Trung ương hoặc của một tờ báo viết tại nơi công ty quản lý quỹ hoặc công ty đầu tư chứng khoán thực hiện đợt chào bán.

12. Trong thời hạn 05 ngày, sau khi kết thúc đợt chào bán, công ty quản lý quỹ hoặc công ty đầu tư chứng khoán phải gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả chào bán kèm theo bản xác nhận của ngân hàng giám sát về số tiền thu được trong đợt chào bán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư này

II. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ CHÀO BÁN CỔ PHIẾU RA CÔNG CHÚNG

1. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu bao gồm:

1.1 Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng lập theo mẫu tại Phụ lục số 05A kèm theo Thông tư này;

1.2 Bản cáo bạch lập theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Thông tin tóm tắt về tổ chức phát hành bao gồm mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và cơ cấu cổ đông (nếu có);

b) Thông tin về đợt chào bán và chứng khoán chào bán bao gồm điều kiện chào bán, các yếu tố rủi ro, dự kiến kế hoạch lợi nhuận và cổ tức của năm gần nhất sau khi phát hành chứng khoán, phương án phát hành và phương án sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán;

c) Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong hai năm gần nhất phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tuân thủ chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước;

- Báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính;

- Trường hợp tổ chức phát  hành là công ty mẹ thì tổ chức phát hành phải nộp báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật về kế toán kèm theo báo cáo tài chính của chính công ty mẹ; 

- Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ. Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ đó;

- Trường hợp hồ sơ được nộp trước ngày 01 tháng 3 hàng năm, báo cáo tài chính năm của năm trước đó trong hồ sơ ban đầu có thể là báo cáo chưa có kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của hai năm trước liền kề;

[...]