Thông tư 16/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 28/2015/TT-NHNN quy định về quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước

Số hiệu 16/2023/TT-NHNN
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/07/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Phạm Tiến Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2023/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 28/2015/TT-NHNN NGÀY 18/12/2015 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ VÀ DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư 28/2015/TT-NHNN).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN ngày 02/11/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN (Thông tư 10/2020/TT-NHNN)) như sau:

“Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:

“1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kho bạc Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15 Điều 3 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:

“5. “Tổ chức quản lý thuê bao” là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc các tổ chức khác đề nghị cấp chứng thư số cho thuê bao thuộc đơn vị, tổ chức của mình.”

“11. “Mã kích hoạt” là thông tin cấp cho thuê bao bao gồm số tham chiếu và mã xác thực được dùng để chứng thực trong quá trình kích hoạt chứng thư số.

12. “Kích hoạt chứng thư số” là quá trình khởi tạo cặp khóa chứng thư số bao gồm khóa bí mật, khóa công khai và lưu trữ vào thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao.

13. “Người có thẩm quyền” là Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước hoặc là người đại diện theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 2 Thông tư này.

14. “Hệ thống dịch vụ công” là cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước.

15. “Nghiệp vụ chứng thư số” là nghiệp vụ trên các hệ thống thông tin mà thuê bao có thể sử dụng chứng thư số để ký duyệt hoặc xác thực. Một chứng thư số có thể sử dụng để ký duyệt, xác thực tại một hoặc nhiều nghiệp vụ trên một hoặc nhiều hệ thống thông tin. Các hệ thống thông tin sử dụng chứng thư số của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

a) Hệ thống dịch vụ công;

b) Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng;

c) Hệ thống báo cáo Ngân hàng Nhà nước;

d) Hệ thống đấu thầu và nghiệp vụ thị trường mở bao gồm các phân hệ nghiệp vụ:

- Đầu thầu và nghiệp vụ thị trường mở;

- Phát hành, thanh toán, gia hạn và hủy trái phiếu đặc biệt;

[...]