Thông tư 151/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định 93/2015/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 151/2016/TT-BTC
Ngày ban hành 17/10/2016
Ngày có hiệu lực 01/01/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 93/2015/NĐ-CP NGÀY 15/10/2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 6 Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là Nghị định số 93/2015/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Người lao động tại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Điều 3. Cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Trong quá trình hoạt động, ngoài những quy định của nhà nước về đầu tư thành lập doanh nghiệp, quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ tài chính sau:

1. Được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý và sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

a) Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh báo cáo tổng diện tích đất đã được nhà nước giao, diện tích đất doanh nghiệp được thuê và sử dụng, trong đó có diện tích đất cần thiết sử dụng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (có xác nhận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) gửi cơ quan thuế địa phương.

Căn cứ báo cáo của doanh nghiệp đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế thông báo cho doanh nghiệp diện tích đất được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và diện tích đất phải nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Hồ sơ, thủ tục để miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất thực hiện theo quy định của các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai hiện hành.

Trường hợp có biến động hoặc có thay đổi về diện tích đất sử dụng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, sau khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thông báo cơ quan thuế để điều chỉnh cho phù hợp.

b) Đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào chi phí sản xuất kinh doanh và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ) bao gồm:

a) Chi phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu.

b) Chi bảo đảm quân trang cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sỹ quan, công nhân công an. Mức chi theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

c) Thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành.

[...]