Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành

Số hiệu 15/2005/TT-BXD
Ngày ban hành 19/08/2005
Ngày có hiệu lực 15/10/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Tấn Vạn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2005/TT-BXD

Hà nội, ngày 19 tháng 08 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng được quy định tại mục I, II, III, IV, V chương II - Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định 08/2005/NĐ-CP), như sau:

Mục 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khi lập quy hoạch xây dựng mà chưa có đủ các căn cứ để lập quy hoạch xây dựng (đã được quy định tại Điều 7, Điều 15, Điều 23 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP) gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành có liên quan, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn; hoặc đã có các quy hoạch nêu trên được duyệt nhưng không phù hợp về thời hạn và nội dung thì phải căn cứ các chủ trương chính sách của Chính phủ, định hướng lớn của các ngành, các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương và các nhân tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến khu vực lập quy hoạch xây dựng để làm căn cứ lập quy hoạch xây dựng.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng trong địa giới hành chính mình quản lý; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng trong địa giới hành chính xã. Nhiệm vụ quy hoạch có thể được điều chỉnh trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của mỗi địa phương.

3. Ban quản lý các khu công nghệ cao, khu kinh tế có chức năng đặc biệt có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng thuộc phạm vi ranh giới do mình quản lý và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Ban quản lý các dự án do Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự án thuỷ điện, dự án khai thác, chế biến khoảng sản,...) có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch xây dựng các khu dân cư, tái định cư,... (nếu có) và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Đối với quy hoạch xây dựng các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - chính trị - xã hội - an ninh - quốc phòng đã được xác định tại nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp trước khi phê duyệt các quy hoạch xây dựng đó.

6. Quy hoạch xây dựng (cho các giai đoạn 5, 10 năm hoặc dài hơn) mang tính dự báo, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện khi xuất hiện các yếu tố tác động làm thay đổi các dự báo của quy hoạch xây dựng, thì Uỷ ban nhân dân các cấp phải tổ chức điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Khi phải điều chỉnh thì chỉ tập trung vào những nội dung điều chỉnh, những nội dung không điều chỉnh của đồ án đã được phê duyệt vẫn được giữ nguyên giá trị pháp lý và phải được tiếp tục thực hiện để đảm bảo quy hoạch xây dựng có tính liên tục và thường xuyên.

7. Đồ án quy hoạch xây dựng phải đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng và nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

8. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cấp có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch xây dựng bằng văn bản với các nội dung được hướng dẫn tại mục V của Thông tư này. Hồ sơ lưu trữ (phần bản vẽ theo đúng tỷ lệ) kèm theo quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng phải được cơ quan thẩm định quy hoạch xây dựng cùng cấp xác nhận.

9. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương được thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.

10. Quy cách thể hiện hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng phải tuân thủ theo Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

11. Nội dung thuyết minh và các bản vẽ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được hướng dẫn tại phụ lục số 1, 2 của Thông tư này;

12. Việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng được quy định tại các mục II, III, IV, V, VI của Thông tư này, trừ những trường hợp có quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 2:

LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG

I. QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG

1. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng cần xác định rõ phạm vi, mục tiêu và các yêu cầu cần nghiên cứu theo quy định tại Điều 6 và danh mục hồ sơ bản vẽ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP.

Phạm vi lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng được xác định trên cơ sở đánh giá các yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp và có ý nghĩa quyết định hoặc ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng có thể theo địa giới hành chính, hoặc theo phạm vi ảnh hưởng mà không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính của vùng.

2. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng

Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP và tuỳ theo từng đối tượng cụ thể cần tập trung vào các nội dung sau:

a) Đối với vùng liên tỉnh, vùng đô thị lớn, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện cần xác định các tiềm năng và động lực phát triển vùng; dự báo về xu hướng, tốc độ đô thị hoá, tổ chức không gian, phân vùng chức năng, phân bố dân cư; xác định các công trình đầu mối hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật có ý nghĩa vùng.

b) Đối với các vùng chức năng hoặc vùng chuyên ngành như vùng công nghiệp, vùng nghỉ mát, vùng bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên,... cần xác định các tiềm năng, động lực, quy mô phát triển, phân khu chức năng, tổ chức phân bố các điểm dân cư và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với mục tiêu phát triển vùng.

c) Đối với các vùng lãnh thổ dọc theo các trục tuyến giao thông - hành lang phát triển kinh tế thì cần xác định các tiềm năng và động lực phát triển của từng vùng trên dọc tuyến; xác định quy mô và tổ chức, phân bố các cơ sở sản xuất, kinh tế. Xác định việc cải tạo, phát triển hoặc hình thành các điểm dân cư đô thị (hoặc đô thị mới) và sự kết nối mạng lưới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của các điểm dân cư đô thị trên dọc tuyến.

[...]