BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/2014/TT-BNV
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHỨC DANH, MÃ SỐ NGẠCH VÀ TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN CÁC
NGẠCH CÔNG CHỨC CHUYÊN NGÀNH VĂN THƯ
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản
lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP
ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông
tư quy định chức danh, mã số ngạch, chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn nghiệp vụ
chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành văn thư.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chức danh, mã số ngạch, chức
trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên
ngành văn thư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với công chức chuyên ngành
văn thư làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước,
tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
Điều 3. Chức danh và mã số ngạch
công chức chuyên ngành văn thư, bao gồm:
1. Văn thư chính
|
Mã số ngạch: 02.006
|
2. Văn thư
|
Mã số ngạch: 02.007
|
3. Văn thư trung cấp
|
Mã số ngạch: 02.008
|
Điều 4. Tiêu chuẩn
chung về phẩm chất
1. Có bản lĩnh chính trị vững vàng,
kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương,
đường lối của Đảng; trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công
chức theo quy định của pháp luật; nghiêm túc chấp hành sự phân công nhiệm vụ của
cấp trên; tuân thủ pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự hành chính;
nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan.
3. Tận tụy, trách nhiệm, trung thực,
cẩn thận và gương mẫu trong thực thi công vụ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư; tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục
hành chính và tuyệt đối chấp hành nguyên tắc bảo mật trong thực thi công vụ.
4. Có lối sống và sinh hoạt lành mạnh,
khiêm tốn, đoàn kết; lịch sự, văn hóa, chuẩn mực trong giao tiếp, phục vụ nhân
dân.
5. Thường xuyên có ý thức học tập,
rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.
Chương II
CHỨC TRÁCH, NHIỆM
VỤ VÀ TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC VĂN THƯ
Điều 5. Ngạch Văn
thư chính
1. Chức trách:
Là công chức văn thư đạt tiêu chuẩn
cao nhất về chuyên môn, nghiệp vụ văn thư trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ
cấp tỉnh trở lên, có trách nhiệm tham mưu, tổng hợp về công tác văn thư; tổ chức
thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động văn thư hoặc trực tiếp thực
hiện các nhiệm vụ văn thư phức tạp có yêu cầu cao về trách nhiệm và bảo mật.
2. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu,
đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch
về công tác văn thư;
b) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn
các văn bản quản lý, hướng dẫn về công tác văn thư theo thẩm quyền được giao;
c) Quản lý và tổ chức thực hiện công
tác văn thư của cơ quan, đơn vị;
d) Chủ trì hoặc tham gia đề tài
nghiên cứu khoa học các cấp về công tác văn thư; ứng dụng khoa học và công nghệ
vào công tác văn thư;
đ) Tham gia các hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công tác văn thư;
e) Trực tiếp thực thi các nhiệm vụ
khác được cấp trên giao.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn,
nghiệp vụ:
a) Nắm vững và thực hiện tốt chủ
trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; am hiểu về hệ
thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, về chế độ công vụ, công
chức và các kiến thức về công tác văn thư; bảo vệ bí mật Nhà nước;
b) Tham gia xây dựng các văn bản pháp
luật hướng dẫn thực hiện công tác văn thư; xây dựng các đề án, dự án về công
tác văn thư;
c) Có kiến thức và năng lực tổ chức
lao động trong hoạt động văn thư; vận dụng được công nghệ thông tin và những
kinh nghiệm tiên tiến trong nước và ngoài nước để nâng cao hiệu quả của công
tác văn thư;
d) Có năng lực và kỹ năng kiểm soát
việc soạn thảo văn bản hành chính bảo đảm tuân thủ đúng thể thức, quy trình, thủ
tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; trình bày và bảo vệ được các ý kiến,
nội dung đề xuất; có kỹ năng thành thạo giải quyết các công việc liên quan đến
nghiệp vụ công tác văn thư;
đ) Có năng lực nghiên cứu và đề xuất
đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục của công tác văn thư;
e) Am hiểu tình hình, xu thế phát triển
công tác văn thư trong nước và thế giới; nắm được xu hướng đổi mới hoặc cải
cách hoạt động của công tác văn thư;
g) Đối với công chức dự thi nâng ngạch
văn thư chính thì phải là người đã chủ trì, tham gia xây dựng được ít nhất 1 (một)
văn bản pháp luật hoặc chủ trì, tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 1 (một) đề
tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp
huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;
hoặc có ít nhất 1 (một) sáng kiến được áp dụng có hiệu quả vào công tác văn thư
được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
h) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực công
tác văn thư. Công chức dự thi nâng ngạch văn thư chính phải có thời gian giữ ngạch
văn thư hoặc tương đương từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ
ngạch văn thư tối thiểu đủ 3 năm (36 tháng).
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi
dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên
chuyên ngành văn thư lưu trữ, nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải
có chứng chỉ bồi dưỡng bổ sung kiến thức, nghiệp vụ văn thư;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà
nước và nghiệp vụ ngạch văn thư chính;
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc
3 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông
tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc
đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ
đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư
số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định
Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Điều 6. Ngạch Văn
thư
1. Chức trách:
Là công chức văn thư đạt tiêu chuẩn
cao về chuyên môn nghiệp vụ văn thư, có trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động văn thư tại cơ quan, tổ chức,
đơn vị hoặc thực hiện các nhiệm vụ có yêu cầu cao về nghiệp vụ và bảo mật.
2. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng và tổ chức thực
hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về công tác văn thư;
b) Tham gia biên soạn các văn bản quản
lý, hướng dẫn về công tác văn thư tại cơ quan;
c) Tổ chức thực hiện công tác văn thư
hoặc trực tiếp làm công tác văn thư của cơ quan;
d) Tham gia đề tài nghiên cứu khoa học
các cấp về công tác văn thư; ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác văn
thư;
đ) Tham gia các hoạt động bồi dưỡng về
nghiệp vụ công tác văn thư;
e) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ
khác được cấp trên giao.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn,
nghiệp vụ:
a) Nắm vững đường lối, chủ trương của
Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các kiến thức về công tác văn thư;
các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước;
b) Có năng lực kiểm tra, kiểm soát về
thẩm quyền, trình tự, thủ tục của quá trình soạn thảo văn bản; thực hiện thành
thạo các công việc liên quan đến nghiệp vụ của công tác văn thư;
c) Có năng lực tổ chức thực hiện công
việc đạt kết quả; có thể áp dụng công nghệ thông tin và những kinh nghiệm tiên
tiến trong nước và ngoài nước để nâng cao hiệu quả của công tác văn thư;
d) Công chức dự thi nâng ngạch văn
thư phải có thời gian giữ ngạch văn thư trung cấp hoặc tương đương tối thiểu đủ
3 năm (36 tháng).
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi
dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên
chuyên ngành văn thư lưu trữ, nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải
có chứng chỉ bồi dưỡng bổ sung kiến thức nghiệp vụ văn thư;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà
nước và nghiệp vụ ngạch văn thư;
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc
2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông
tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối
với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ
đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư
số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định
Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Điều 7. Ngạch Văn
thư trung cấp
1. Chức trách:
Là công chức văn thư đạt tiêu chuẩn
cơ bản về nghiệp vụ văn thư, có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật
về hoạt động văn thư tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc thực hiện các nhiệm vụ
văn thư có yêu cầu cao về bảo mật.
2. Nhiệm vụ:
a) Tham gia phục vụ việc triển khai,
thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về công tác văn thư;
b) Tham gia phục vụ việc triển khai kế
hoạch, phương án nghiệp vụ công tác văn thư trên cơ sở các quy định của pháp luật
về văn thư;
c) Thực hiện các văn bản quản lý, hướng
dẫn về công tác văn thư tại cơ quan;
d) Thực hiện quản lý lưu giữ hồ sơ, tài
liệu; tổ chức việc thống kê lưu trữ các tài liệu, số liệu đầy đủ, chính xác,
đúng yêu cầu của nghiệp vụ công tác văn thư;
đ) Trực tiếp thực hiện các công việc
khác được cấp trên giao.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn,
nghiệp vụ:
a) Nắm được đường lối, chủ trương của
Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của Nhà nước về công
tác văn thư; bảo vệ bí mật Nhà nước;
b) Nắm được các kiến thức cơ bản của
công tác văn thư;
c) Thực hiện tốt các công việc của
công tác văn thư;
d) Sử dụng được các thiết bị văn
phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi
dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở
lên chuyên ngành văn thư lưu trữ, nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải có chứng
chỉ bồi dưỡng bổ sung kiến thức nghiệp vụ văn thư;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà
nước và nghiệp vụ ngạch văn thư trung cấp;
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc
1 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư
số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung
năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối
với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ
đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư
số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định
Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
1. Tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn
các ngạch công chức chuyên ngành văn thư là căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và
quản lý đội ngũ công chức chuyên ngành văn thư.
2. Các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ
chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
được áp dụng các quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý
người làm công tác văn thư.
Điều 9. Hiệu Iực
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày 15 tháng 12 năm 2014.
2. Bãi bỏ Quyết định số 650/TCCP-CCVC
ngày 20 tháng 8 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính
phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức quản lý văn thư -
lưu trữ.
Điều 10. Trách
nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, TCCB (50).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Anh Tuấn
|