Thông tư 14/2009/TT-BNN hướng dẫn quản lý môi trường trong chế biến thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 14/2009/TT-BNN
Ngày ban hành 12/03/2009
Ngày có hiệu lực 26/04/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 14/2009/TT-BNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG CHẾ BIẾN THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý môi trường trong chế biến thủy sản như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định một số nội dung về quản lý môi trường tại các cơ sở chế biến thủy sản; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về môi trường đối với cơ sở chế biến thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, có nhà xưởng chế biến nằm bên ngoài, hay trong khu chế biến thủy sản tập trung và các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường trong chế biến thủy sản.

Nếu nhà xưởng chế biến thủy sản nằm trong các khu công nghiệp, ngoài việc tuân thủ các quy định của quy chế này, chủ cơ sở còn phải tuân thủ các quy định về môi trường của ban quản lý các khu công nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở chế biến thủy sản là cơ sở tại đó các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động thuộc các lĩnh vực: sơ chế nguyên liệu thủy sản; chế biến các sản phẩm thủy sản dạng: đông lạnh, đóng hộp, phơi sấy khô, ướp muối, hun khói; nước mắm, mắm và các loại mắm thủy sản; agar và các sản phẩm từ các loại rong biển khác; chế biến bột cá và các sản phẩm có nguồn gốc động vật thủy sản khác.

2. Khu chế biến thủy sản tập trung là các khu vực được quy hoạch và xây dựng dành riêng cho các cơ sở chế biến thủy sản hoạt động.

3. Chủ quản hệ thống xử lý nước thải là tổ chức, cá nhân làm chủ sở hữu hệ thống xử lý nước thải. Chủ quản có thể là chủ cơ sở chế biến, hay ban quản lý các khu công nghiệp, ban quản lý khu chế biến thủy sản tập trung, hoặc chủ một doanh nghiệp dịch vụ xử lý nước thải cho cơ sở chế biến thủy sản.

Chương 2.

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CƠ SỞ CHẾ BIẾN THỦY SẢN

Điều 4. Các yêu cầu về quy hoạch và công nghệ

1. Các tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở chế biến thủy sản (dưới đây gọi tắt là chủ cơ sở) khi tiến hành xây dựng mới hoặc mở rộng cơ sở chế biến thủy sản của mình cần phải:

a) Lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản đã được Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt;

b) Thực hiện thiết kế, bố trí mặt bằng nhà xưởng, thiết bị, bao gồm cả hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo đảm hoạt động của cơ sở đạt được các chỉ tiêu quy định về môi trường.

c) Lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm giảm mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở và khu vực xung quanh.

2. Chủ các cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện một hay một số các biện pháp cần thiết có thể là: di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch, tiến hành nâng cấp nhà xưởng, cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, xử lý nước thải… bảo đảm đạt các tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến cơ sở chế biến thủy sản.

Điều 5. Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

1. Chủ cơ sở thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở có công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được tiến hành theo thủ tục quy định tại mục III của Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường (dưới đây gọi tắt là Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT).

Điều 6. Lập, đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường.

1. Chủ cơ sở thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở có công suất nhỏ hơn 1.000 tấn sản phẩm/năm phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường.

[...]