Thông tư 135-TC/TQD-1970 hướng dẫn Quyết định 258-CP-1969 về khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 135-TC/TQD
Ngày ban hành 06/05/1970
Ngày có hiệu lực 01/01/1970
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135-TC/TQD

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 1970 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 258-CP NGÀY 29-12-1969 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ KHOẢN THU CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VỀ GIAO NỘP NÔNG SẢN, THỰC PHẨM

Thông tư này thay thế Thông tư số 18-TC/TQD ngày 14-01-1970.

Để khuyến khích các địa phương đẩy mạnh sản xuất và thu mua, tăng nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm cho Nhà nước, nguyên liệu cho công nghiệp và các mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu; để phân phối hợp lý hơn giữa ngân sách trung ương và ngân sách  địa phương nguồn thu của Nhà nước về nông sản, thực phẩm, làm cho ngân sách địa phương có thêm nguồn thu ổn định từ kinh tế địa phương, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258-CP ngày 29-12-1969 ấn định khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm.

Căn cứ điều 11 của Quyết định số 258-CP và Thông tư liên bộ Tài chính - Nội thương – Ngân hàng Nhà nước số 93-TT/LB ngày 16-4-1970, Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành như sau:

1. Căn cứ điều 1 của Quyết định số 258-CP, khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm (dưới đây gọi tắt là khoản thu cho ngân sách địa phương) chỉ áp dụng đối với những nông sản, thực phẩm của các cơ sở kinh tế do địa phương quản lý (sản phẩm của nhân dân, của hợp tác xã nông nghiệp, của kinh tế quốc doanh địa phương như nông trường địa phương v.v…) mỗi khi giao nộp cho các tổ chức kinh tế quốc doanh thuộc các ngành trung ương quản lý hay là thuộc các địa phương khác quản lý. Trường hợp các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương tiêu thụ các nông sản, thực phẩm nói trên, do chính địa phương mình sản xuất ra, thì không phải nộp khoản thu này. Cụ thể là:

a) Các tổ chức kinh tế quốc doanh: xí nghiệp thương nghiệp của ngành nội thương, ngoại thương, y tế (dược liệu), xí nghiệp công nghiệp, v.v… thuộc trung ương quản lý, mua nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP đều phải chịu khoản thu cho ngân sách địa phương;

b) Các tổ chức kinh tế quốc doanh: xí nghiệp thương nghiệp của ngành nội thương, ngoại thương, y tế (dược liệu) xí nghiệp công nghiêp, v.v… thuộc các địa phương quản lý, mua nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP, ở các địa phương khác cũng phải chịu khoản thu cho ngân sách địa phương;

2. Biện pháp thu quy định như sau:

a) Các xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, các công ty địa phương kinh doanh hàng xuất khẩu, v.v… thu mua nông sản, thực phẩm rồi giao nộp cho các đơn vị, các ngành trung ương hay cho các địa phương khác, đều phải nộp khoản thu cho ngân sách địa phương, sau khi bán hàng và thu được tiền về;

b) Các tổ chức kinh tế quốc doanh của trung ương, của các địa phương khác, trực tiếp thu mua nông sản, thực phẩm từ các cơ sở kinh tế tập thể và cá thể (hợp tác xã nông nghiệp, người sản xuất cá thể), không qua các xí nghiệp thương nghiệp thu mua như nói ớ điểm a trên đây, được mua theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước, đồng thời phải nộp khoản thu cho ngân sách địa phương nơi sản xuất, ngay khi thanh toán tiền mua hàng;

c) Trừ trường hợp nói ở điểm a trên đây, các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương như nông trường quốc doanh địa phương có nông sản thực phẩm giao nộp thẳng cho các đơn vị, các ngành ở trung ương hay cho các địa phương khác, đều được bán theo giá bán gồm có khoản thu cho ngân sách địa phương và phải nộp khoản thu đó vào ngân sách địa phương sau khi bán hàng và thu được tiền về.

3. Khoản thu cho ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm tính bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước (hoặc của cơ quan được Nhà nước ủy quyền ấn định giá thu mua). Khoản thu này phải nộp cho ngân sách của địa phương nơi sản xuất và giao nộp.

4. Mỗi địa phương được hưởng khoản thu nói trên về số sản phẩm giao nộp theo kế hoạch giao nộp của Nhà nước (hay cơ quan được Nhà nước ủy nhiệm) ấn định đối với địa phương đó: đối với ngành nội thương là chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Nội thương về thu mua nông sản, thực phẩm ghi ở cột “điều đi”, mà xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II giao cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I hoặc cho xí nghiệp thương nghiệp cấp II tỉnh khác, v.v…

Đối với số thực phẩm mà địa phương cung cấp (theo chế độ giá bán lẻ) cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, v.v… thuộc trung ương quản lý, đóng cố định tại địa phương, thì không được áp dụng khoản thu này.

5. Áp dụng chế độ thu cho ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm:

a) Các xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, các công ty địa phương kinh doanh hàng xuất khẩu cần căn cứ vào giá vốn định mức của mình mà định lại giá cao (giá bán) khi giao nộp nông sản, thực phẩm cho các đơn vị các ngành trung ương hoặc các địa phương khác:

- Giá vốn định mức của đơn vị thu mua là giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước cộng (+) phí thu mua định mức cộng (+) lợi nhuận định mức;

- Giá giao (giá bán) của đơn vị thu mua là giá vốn định mức (nói trên) cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

b) Đối với các xí nghiệp công nghiệp, do có sự thay đổi giá nguyên liệu đưa vào sản xuất làm cho giá thành tăng hoặc giảm, nên mức tích lũy của xí nghiệp công nghiệp nộp cho ngân sách Nhà nước cũng thay đổi. Các xí nghiệp công nghiệp phải tính toán lại giá thành mới để đề nghị mức tích lũy mới;

c) Đối với các xí nghiệp ngoại thương, cũng có sự thay đổi giá vốn mua hàng xuất khẩu; khoản tăng hoặc giảm này được giải quyết ở khâu thu hay bù chênh lệch ngoại thương;

d) Đối với các xí nghiệp nội thương, cũng có sự thay đổi về giá mua và giá bán:

- Xí nghiệp thương nghiệp cấp I kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, phải thanh toán theo giá mới, tức là giá giao như quy định ở điểm a (trên đây). Xí nghiệp thương nghiệp cấp I khi bán ra thì theo giá bán buôn thương nghiệp cấp I (giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp). Khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) phát sinh giữa giá bán buôn thương nghiệp cấp I với giá vốn (giá mua mới cộng (+) chiết khấu thương nghiệp cấp I), thuộc ngân sách trung ương giải quyết: xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp ngân sách trung ương hoặc được ngân sách trung ương cấp bù. Trường hợp xí nghiệp thương nghiệp cấp I kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm và bán cho các xí nghiệp sản xuất công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất, xí nghiệp thương nghiệp cấp I được bán với giá vốn cộng (+) thặng số thương nghiệp của cấp I. (Chú ý: trong trường hợp này, giá nguyên liệu mà xí nghiệp công nghiệp phải trả thường sẽ cao hơn là khi xí nghiệp công nghiệp đi mua trực tiếp. Cho nên phương hướng chung là xí nghiệp công nghiệp nên tìm mua nguyên liệu thẳng, không qua thương nghiệp).

- Xí nghiệp thương nghiệp cấp II kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II tỉnh khác, phải thanh toán theo giá giao như quy định ở điểm a (trên đây). Khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) giữa giá bán lẻ tại địa phương và giá vốn (giá mua mới cộng (+) chiết khấu thương nghiệp cấp II) thuộc ngân sách địa phương tỉnh tiêu thụ giải quyết.

Trường hợp xí nghiệp thương nghiệp cấp II mua hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thu mua cấp II cùng tỉnh, để tiêu thụ ngay tại địa phương mình, thì phải thanh toán theo giá bán lẻ tại địa phương trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II. Nếu có chênh lệch (tăng hay giảm) giữa giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II với giá vốn định mức của xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, thì ngân sách địa phương thu hay bù cho xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II.

đ) Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh địa phương (như nông trường quốc doanh địa phương) giao nông sản, thực phẩm cho các đơn vị các ngành ở trung ương và các địa phương khác thì giá giao của tổ chức này được tính như sau: giá chỉ đạo bán ra của Nhà nước cộng (+) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

6. Đối với những nông sản, thực phẩm không có trong danh mục ghi ở điều 1 Quyết định số 258-CP, nếu xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II giao cho các tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương hay cho các địa phương khác, thì giữ nguyên giá giao hiện hành, còn:

- Giá vốn định mức thì tính như quy định ở điểm a điều 5 trên đây;

[...]