Thông tư 135/2018/TT-BTC quy định về quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 135/2018/TT-BTC
Ngày ban hành 28/12/2018
Ngày có hiệu lực 15/02/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI TIỀN MẶT, GIẤY TỜ CÓ GIÁ, TÀI SẢN QUÝ TẠM GỬI, TẠM GIỮ DO KHO BẠC NHÀ NƯỚC NHẬN BẢO QUẢN

Căn cứ Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính Phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng;

Căn cứ Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính Phủ;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ (sau đây gọi chung là tài sản) do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.

2. Các tổ chức, cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc giao, nhận tài sản gửi bảo quản với các đơn vị Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1.Tiền mặt:Là các loại tiền giấy (bao gồm tiền cotton, tiền polymer), tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

2. Giấy tờ có giá: Gồm trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản quý: Gồm vàng, bạc, kim loại quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác.

4. Niêm phong: Là việc sử dụng giấy niêm phong hoặc kẹp chì để ghi dấu hiệu trên hòm/túi/gói tài sản đã được đóng gói, đảm bảo giữ được nguyên vẹn, đầy đủ.

Điều 4. Nguồn gốc tài sản do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản

1. Tài sản có quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản do các cơ quan chức năng tạm gửi, tạm giữ đang chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Điều 5. Hình thức nhận bảo quản

1.Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản tài sản theo hòm/túi/gói đã được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong.

2. Trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau:

a) Đối với tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính.

b) Đối với tiền mặt và ngoại tệ tiền mặt (các loại ngoại tệ mà Kho bạc Nhà nước có tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại Ngân hàng) nộp tại Ngân hàng: Đơn vị nộp trực tiếp tại Ngân hàng thương mại để chuyển vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước. Đơn vị thực hiện nộp tiền theo hướng dẫn của Ngân hàng thương mại. Kho bạc Nhà nước hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 6. Hồ sơ, trình tự Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản

[...]