Thông tư 13/2009/TT-BKHCN hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 13/2009/TT-BKHCN
Ngày ban hành 20/05/2009
Ngày có hiệu lực 06/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Đình Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2009/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ VỀ AN TOÀN HẠT NHÂN ĐỐI VỚI ĐỊA ĐIỂM NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN TRONG GIAI ĐOẠN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân phục vụ việc đánh giá sơ bộ địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư (giai đoạn tiền khả thi).

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với chủ đầu tư, các cơ quan, tổ chức thẩm định báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các tổ chức tư vấn có liên quan.

II. TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM AN TOÀN HẠT NHÂN ĐỐI VỚI ĐỊA ĐIỂM NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

1. Đứt gãy, động đất, núi lửa

a) Không có đứt gãy các nhà máy điện hạt nhân nhỏ hơn 8km có biểu hiện hoạt động ít nhất một lần trong khoảng 130.000 năm trở lại đây.

b) Không có biểu hiện động đất với cường độ lớn hơn 8 MSK cách nhà máy điện hạt nhân nhỏ hơn 50 km.

c) Không có khả năng xảy ra núi lửa phun nham thạch đến vị trí cách nhà máy điện hạt nhân nhỏ hơn 15 km.

d) Trường hợp địa điểm không đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà không có giải pháp khắc phục thì không được chấp nhận.

2. Địa kỹ thuật và nền móng

a) Nền móng để xây dựng nhà lò phản ứng, nhà tua bin phải là đá gốc tương đối liền khối bảo đảm cứng chắc, không bị dập vỡ, nút nẻ mạnh hoặc bị phong hóa.

b) Nền móng để xây dựng các công trình khác của nhà máy điện hạt nhân không được đặt trên loại đất yếu, đất có khả năng hóa lỏng, khuyếch đại dao động, trương nở mạnh.

c) Trường hợp địa điểm không đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này mà không có giải pháp khắc phục thì không được chấp nhận.

3. Khí tượng cực đoan

a) Không xảy ra các hiện tượng khí tượng cực đoan có sức gió lớn hơn 300km/h ở địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khoảng 100 năm trở lại đây.

b) Trường hợp địa điểm không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản này mà không có giải pháp khắc phục thì không được chấp nhận.

4. Ngập lụt

a) Ngập lụt, lũ quét ở địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân không xảy ra trong khoảng 100 năm trở lại đây và dự báo không có khả năng xảy ra trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy.

b) Trường hợp địa điểm không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản này mà không có giải pháp khắc phục thì không được chấp nhận.

5. Ảnh hưởng đối với nhà máy điện hạt nhân do hoạt động của con người gây ra

a) Khoảng cách tới các công trình quốc phòng và khu quân sự, tuyến đường giao thông, ống dẫn nhiên liệu, các cơ sở lưu giữ, sử dụng vật liệu có khả năng xảy ra cháy nổ phải đủ xa để nếu xảy ra cháy nổ thì áp lực đối với nhà máy điện hạt nhân không vượt quá 0,07 bar (7 kPa).

b) Khoảng cách từ nhà máy điện hạt nhân tới sân bay phải từ 7 km trở lên.

c) Trường hợp địa điểm không đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này mà không có giải pháp khắc phục thì không được chấp nhận.

[...]