Thông tư 128-CT-1987 hướng dẫn Quyết định 126-CT-1987 sửa đổi chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là ở nước ngoài) gửi về giúp gia đình do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 128-CT |
Ngày ban hành | 10/04/1987 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/1987 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Tiền tệ - Ngân hàng |
CHỦ
TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128-CT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1987 |
Nhà nước có chính sách, biện pháp thích hợp để thu hút được càng nhiều càng tốt số ngoại tệ và hàng hoá do người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về nước.
Vì mục đích nói trên, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định số 126-CT ngày 10-4-1987 sửa đổi, bổ sung một số chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về.
Yêu cầu chính của quyết định đó là:
- Khuyến khích việc nhận tiền hơn là hàng; nếu là hàng thì khuyến khích việc nhận tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu.
- Tổ chức tốt việc nhận tiền, hàng hoá tận tay người nhận, xoá bỏ các chế độ, thủ tục gò bó, gây phiền hà cho nhân dân, đồng thời kiên quyết chống bọn chuyển tiền lậu và đầu cơ hàng hoá.
- Sử dụng và kinh doanh có hiệu quả số tiền và hàng này.
Để thực hiện quyết định nói trên các ngành, các cấp phải làm tốt các vấn đề sau đây:
- Bãi bỏ mọi hạn chế quy định về số lượng, số lần, trị giá tiền được nhận. Bãi bỏ sổ nhận tiền.
- Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều chỉnh linh hoạt và kịp thời tỷ giá kiều hối trên cơ sở ngang với tình hình thực tế trên thị trường, đồng thời có tiền thưởng, làm cho người gửi và nhận thấy việc gửi và nhận tiền là có lợi hơn gửi và nhận hàng đồng thời để đấu tranh có hiệu quả với việc chuyển tiền ngầm. Tỷ giá này phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Nghiêm cấm các ngành, các địa phương tuỳ tiện nâng cao tỷ giá kiều hối để tranh giành nguồn ngoại tệ này. Hàng ngày Ngân hàng cần công bố tỷ giá hối đoái và lãi xuất gửi tiền ngoại tệ.
- Kiều hối cần được tập trung trong Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên cần tính đến luật lệ của một số nước hạn chế việc chuyển tiền qua Ngân hàng nước ta, do đó cần nghiên cứu các hình thức ngân hàng uỷ thác cho một số tổ chức các hội Việt kiều yêu nước làm trung gian chuyển kiều hối về nước phù hợp với luật lệ của các nước đó và theo quy chế của Ngân hàng Nhà nước.
- Ngân hàng cần thực hiện đúng những điều đã quy định trong điều 2 của quyết định. Ở các địa phương cần thiết, tổ chức tốt việc bán hàng và làm dịch vụ cho người nhận để thu lại số ngoại tệ này, nhưng cần có biện pháp quản lý thích hợp để khỏi gây rối thị trường.
- Bãi bỏ mọi hạn chế quy định về số lần, trọng lượng, giá trị hàng được nhận. Tổng cục Hải quan ban hành danh mục hàng cấm nhập khẩu phi mậu dịch và hàng nhập khẩu phi mậu dịch có điều kiện.
- Để khuyến khích nhận tư liệu sản xuất hơn là hàng tiêu dùng, Nhà nước thực hiện chính sách giảm hoặc miễn thuế và các thủ tục thuận tiện đối với việc nhận tư liệu sản xuất. Bộ vật tư xác định danh mục tư liệu sản xuất và danh mục những mặt hàng khuyến khích và được ưu đãi. Bộ Tài chính quy định việc giảm hoặc miễn thuế.
- Đối với hàng tiêu dùng thì chủ yếu điều tiết bằng thuế. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiến nghị về việc sửa đổi chính sách thuế suất hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch để trình Quốc hội (hoặc Hội đồng Nhà nước) thông qua một số nguyên tắc, quy định chung; Hội đồng Bộ trưởng ban hành các quy định cụ thể. Trong khi chờ đợi Bộ Tài chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chế độ thuế phụ thu; chế độ đó cần được công bố công khai và điều chỉnh theo yêu cầu của từng thời kỳ.
- Có biện pháp khuyến khích người nhận bán lại hàng cho các cơ sở thu mua của Nhà nước trên cơ sở giá cả phải chăng, thuận mua, vừa bán, không gò ép.
- Kiều hối là nguồn thu ngoại tệ không cần phải xuất khẩu hàng hoá và không phải trả bằng ngoại tệ, phải do Nhà nước quản lý và giao cho Ngân hàng kinh doanh. Các ngành, các cấp thể theo cân đối ngoại tệ của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước được quyền mua hoặc vay kiều hối của Ngân hàng theo phương thức kinh doanh, nếu vay phải trả vốn và lãi bằng ngoại tệ. Các địa phương thu hút nhiều kiều hối được ưu tiên thoả đáng.
- Thủ tục cụ thể về việc nhận tiền do Ngân hàng Nhà nước và thủ tục cụ thể về nhận hàng do Tổng cục Hải quan quy định căn cứ vào thông tư này.
- Cần tổ chức dịch vụ tốt nhằm phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo thống nhất trong các khâu thu gom, vận tải, phân phối hàng đến tay người nhận. Cần giải quyết mối quan hệ giữa các tổ chức kinh doanh này với nhau bằng các hợp đồng dịch vụ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mỗi tổ chức trên cơ sở tôn trọng lợi ích chung, lợi ích của người nhận hàng và lợi ích của từng tổ chức kinh doanh dịch vụ, khắc phục tình trạng cạnh tranh trong việc nhận, vận chuyển và phân phát hàng này.
Về việc thành lập các tổ chức dịch vụ nhận và trả hàng nhập khẩu phi mậu dịch của Việt kiều thuộc quyền quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương sau khi thảo luận với Tổng cục Hải quan; ngành nào ở Trung ương có yêu cầu thành lập các tổ chức dịch vụ tương tự ở các địa phương cũng cần có sự thoả thuận với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương và với Tổng cục Hải quan.
- Ban Việt kiều chịu trách nhiệm phối hợp các ngành, các tổ chức, các địa phương hữu quan và làm đầu mối trong quan hệ giữa các cơ quan trong nước với các tổ chức Việt kiều ở ngoài nước vận động người Việt Nam ở nước ngoài chấp hành đúng quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư về việc gửi tiền và hàng về nước.
- Trong tháng 4 năm 1987, các ngành hữu quan cần hoàn thành các nhiệm vụ được phân công để sớm thực hiện Quyết định này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu các ngành, các cấp thấy có vấn đề cần bổ sung thì kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng để kịp thời giải quyết.