Chỉ thị 292-CT năm 1987 thực hiện quyết định 126-CT sửa đổi chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 292-CT
Ngày ban hành 10/10/1987
Ngày có hiệu lực 25/10/1987
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Quyền dân sự

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 292-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 126-CT NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 1987

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 126-CT ngày 10-4-1987 về việc sửa đổi và bổ sung chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình và Thông tư số 128-CT ngày 10-4-1987 hướng dẫn thực hiện quyết định trên.

Qua 6 tháng thực hiện chính sách mới về kiều hối đã được Việt kiều và thân nhân trong nước hoan nghênh.

Nhưng do việc tổ chức thực hiện không đồng bộ, việc quản lý chưa chặt chẽ; một số địa phương tuỳ tiện nâng tỷ giá trực tiếp hoặc biến tướng để thu hút kiều hối, đã phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực làm giảm giá trị đồng Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt và hạn chế kết quả thu hút ngoại tệ.

Việc tổ chức bán hàng kiều hối còn lộn xộn, không thống nhất, không tính thuế đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá bán hàng và tỷ giá ảnh hưởng đến việc khuyến khích gửi tiền. Thực tế hầu hết kiều quyến đều tập trung vào mua hàng để hưởng chênh lệch giá cao. Nếu tiếp tục duy trì bán hàng thu ngoại tệ như hiện nay thì không thể thực hiện được chủ trương khuyến khích người có ngoại tệ bán ngoại tệ cho Ngân hàng theo tỷ giá có lợi hơn hoặc ít ra cũng không thiệt hơn phương thức mua hàng.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các Bộ, các ngành, các địa phương cần quán triệt và thực hiện đúng đắn tinh thần Quyết định số 126-CT và Thông tư hướng dẫn số 128-CT ngày 10-4-1987.

Việc thu hút ngoại tệ là cần thiết, nhưng phải tuân thủ trật tự kỷ cương của Nhà nước. Phải thi hành đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Không vì lợi ích cục bộ mà tuỳ tiện nâng cao tỷ giá, hoặc các hình thức khác để cạnh tranh lẫn nhau thu hút tiền và vàng. Phải làm cho mọi người thấy rõ yêu cầu này để chống các hiện tượng tiêu cực.

2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và kịp thời trên cơ sở tỷ giá chính thức cộng thêm tỷ lệ thưởng khuyến khích thích hợp.

Tỷ giá kiều hối do Ngân hàng Nhà nước công bố 3 tháng một lần - trừ trường hợp có biến động lớn về giá cả.

3. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là đầu mối tổ chức thu hút và chi trả kiều hối. Các địa phương, các ngành, các đơn vị kinh tế hoặc các cơ quan đại diện nước ta ở các nước, các tổ chức Việt kiều ở nước ngoài muốn làm đại lý thu hút kiều hối dưới mọi hình thức phải có sự thoả thuận bằng văn bản của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

4. Số ngoại tệ thu được sẽ giành 30% cho Trung ương và 70% cho địa phương để sử dụng tập trung cho sản xuất theo kế hoạch, nơi nào sử dụng phải thanh toán cho Ngân hàng Ngoại thương bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá kiều hối hiện hành cộng thêm tỷ lệ phí kinh doanh do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn định. Quy định này thực hiện từ ngày 15-10-1987.

5. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần chấn chỉnh việc bán hàng cho kiều bào và kiều quyến theo hướng dẫn sau:

a) Tổ chức một cửa hàng dành riêng bán cho Việt kiều và kiều quyến thu tiền Việt Nam có gốc ngoại tệ. Vì đã có tỷ giá ưu đãi nên giá bán phải tính thuế.

b) Mặt hàng cần chọn lọc, bố trí cơ cấu hợp lý giữa hàng nội và hàng ngoại, đại bộ phận phải là hàng sản xuất trong nước (kể cả loại hàng khan hiếm không bán rộng rãi) nhằm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cần thiết, không dược mua đi bán lại.

Việc tổ chức bán hàng có liên quan chặt chẽ đến tỷ giá kiều hối. Vì vậy, Bộ Ngoại thương có trách nhiệm thống nhất việc quản lý nhập hàng về bán; Bộ Nội thương thống nhất tổ chức các cửa hàng và quản lý phương thức bán cũng như cơ cấu mặt hàng và giá cả, tránh tình trạng chênh lệch giá không hợp lý giữa các địa phương hoặc giữa các đơn vị kinh doanh cùng trong một địa phương.

6. Đối với Việt kiều về thăm quê hương có mang hộ ngoại tệ cho kiều bào khác phải kê khai chi tiết người gửi, người nhận và kê khai số tiền tại cơ quan Hải quan cửa khẩu đầu tiên khi nhập cảnh, đồng thời chuyển danh sách cùng số tiền mang hộ qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để thực hiện việc chi trả cho kiều quyến như quy định trong điều 2 của Quyết định số 126-CT.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)