Thông tư 126/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 126/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 24/08/2010
Ngày có hiệu lực 10/10/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 126/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN DU LỊCH QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2009-2010

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 123/2008/QĐ-TTg ngày 8/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch;
Căn cứ Quyết định số 122/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010;
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010 như sau:

I - QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chế độ chi tiêu và quản lý tài chính áp dụng đối với Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010 theo Quyết định số 122/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010 ( sau đây gọi là chương trình).

Điều 2 . Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị chủ chương trình là các tổ chức xúc tiến du lịch thuộc: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hiệp hội chuyên ngành du lịch có đề án xúc tiến du lịch quốc gia được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các đơn vị tham gia thực hiện chương trình: các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình.

Kinh phí thực hiện chương trình do các đơn vị tham gia thực hiện chương trình đóng góp và ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua chủ chương trình từ nguồn chi xúc tiến du lịch quốc gia hàng năm.

Điều 4. Quy định chung về quản lý chi tiêu

1. Chủ chương trình phải sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả theo đúng chế độ chi tiêu hiện hành và mức chi cho nội dung chương trình được quy định tại Thông tư này.

2. Đối với các nội dung chi chưa có chế độ hướng dẫn, căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn chứng từ thực tế hợp lý theo quy định của pháp luật, chủ chương trình phải chịu trách nhiệm về các quyết định chi cũng như tính chính xác, trung thực của các khoản chi và chứng từ kèm theo

3. Đối với các khoản chi theo quy định phải thực hiện đấu thầu thì áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật.

4. Các đơn vị tham gia chương trình nếu đã đăng kí hoặc có hợp đồng với chủ chương trình nhưng tự ý huỷ không tham gia thì phải bồi hoàn toàn bộ chi phí mà chủ chương trình đã chi như: vé máy bay, chi phí gian hàng...;chủ chương trình có biện pháp thích hợp để đảm bảo thu hồi được khoản bồi hoàn này, ngân sách nhà nước không hỗ trợ khoản thiệt hại cho chủ chương trình.

II - QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5 . Nội dung chi và mức hỗ trợ kinh phí.

Thực hiện theo qui định tại Điều 8, Điều 9 Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2009-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 122/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

1. Hỗ trợ 100% chi phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 8 Quyết định số 122/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

a) Xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước; xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

b) Tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo, hội thi chuyên ngành và các sự kiện du lịch khác ở trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về du lịch.

c) Thiết lập, cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin du lịch Việt Nam phục vụ công tác xúc tiến du lịch.

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng xúc tiến du lịch cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Thời gian tối đa không quá 20 ngày cho tổ chức đào tạo trong nước và không quá 15 ngày cho tổ chức đào tạo ngoài nước.

đ) Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong và ngoài nước để tư vấn việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình phát động điểm đến, chiến dịch tuyên truyền quảng bá trên báo chí chuyên ngành, làm phim quảng cáo, sản xuất ấn phẩm, thiết lập và triển khai tiếp thị, quan hệ công chúng.

2. Mức hỗ trợ đối với các nội dung qui định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 122/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ:

a) Đối với tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm; phát động khai thác, mở rộng thị trường và xúc tiến đầu tư du lịch:

- Hỗ trợ 100% chi phí cho cán bộ của đơn vị chủ chương trình theo chế độ quy định đối với cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách đài thọ theo phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

[...]