Thông tư 11-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn Nghị định 1-CP năm 1992 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 11-TC/TCT
Ngày ban hành 24/02/1993
Ngày có hiệu lực 24/02/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TC/TCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 11-TC/TCT NGÀY 24-2-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH  HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 1-CP NGÀY 18-10-1992 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ 

Thi hành Nghị định số 1-CP ngày 18-10-1992 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các chế độ quản lý, thu nộp thuế, lệ phí mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của Nghi định số 1-CP ngày 18-10-1992 phải bị xử phạt hành chính.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế:

a) Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tính thuế, thu thuế, nộp thuế hoặc các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước khác nếu thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Các đối tượng khác nếu thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì bị xử lý theo quy định tại điều 5 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

3. Cơ quan thu thuế theo quy định tại Nghị định số 1-CP ngày 18-10-1992 bao gồm cơ quan thuế các cấp và cơ quan Hải quan (đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).

4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện theo điều 6 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989 và cần chú ý thêm một số điểm sau:

a) Hình thức phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) được áp dụng độc lập hoặc có thể áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy đăng ký kinh doanh).

Chỉ được áp dụng hình thức phạt bổ sung cùng với hình thức phạt chính khi điều luật có quy định hình thức phạt bổ sung.

b) Trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế trong một lần phát hiện, kiểm tra thì xử phạt về từng hành vi vi phạm sau đó tổng hợp hình phạt. Hình phạt tổng hợp không vượt quá mức cao nhất của mức phạt được pháp luật quy định đối với vi phạm nặng nhất đã vi phạm.

c) Tổ chức bị xử phạt phải thi hành quyết định xử phạt, sau đó xác định lỗi của từng người trực tiếp gây ra vi phạm hành chính đó để xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Các tình tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực thuế:

a) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã ngăn chặn làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện sửa chữa bồi thường thiệt hại.

b) Vi phạm trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt khó khăn.

c) Vi phạm do hạn chế trình độ.

6. Các tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế:

a) Vi phạm có tổ chức.

b) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

c) Vi phạm gây thiệt hại lớn về tài sản.

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh hoặc dịch hoạ để vi phạm.

e) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành quyết định xử phạt.

h) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che dấu vi phạm.

7. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế:

a) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:

[...]