Thông tư 11/2014/TT-BGTVT hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thụ cầu treo dân sinh do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 11/2014/TT-BGTVT
Ngày ban hành 29/04/2014
Ngày có hiệu lực 15/06/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2014/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THIẾT KẾ, THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU CẦU TREO DÂN SINH

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh trên đường giao thông nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh trên đường nông thôn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường giao thông nông thôn bao gồm các đường trục xã, đường liên xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương, đường trục chính nội đồng.

2. Cầu treo dân sinh là loại cầu treo dây võng có một nhịp nằm trên đường giao thông nông thôn; có khổ cầu không lớn hơn 2,0 m; dành cho người đi bộ, gia súc, ngựa thồ, xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ khác.

3. Hệ thống cáp chủ bao gồm hai cáp chủ, mỗi cáp chủ có thể gồm một hoặc nhiều bó cáp thép cùng chịu lực, được chế tạo theo Tiêu chuẩn cáp sợi thép ASTM A603. Các cáp chủ được kéo từ mố neo này vắt qua hai đỉnh tháp sang mố neo kia của cầu.

4. Hệ thống dây treo bao gồm các cấu kiện bằng cáp hoặc thanh thép phân bố dọc theo chiều dài dầm cầu để liên kết hệ dầm cầu vào cáp chủ.

5. Các phụ kiện của cáp bao gồm các chi tiết như đầu neo, kẹp cáp (má ôm cáp), lớp bảo vệ cáp và các chi tiết cơ khí khác.

6. Hệ thống neo bao gồm các kết cấu đỡ và neo cáp chủ như yên chủ tại đỉnh tháp, yên loe (yên chuyển hướng) và thanh neo (tăng-đơ) tại mố neo.

7. Tao cáp là tổ hợp các sợi thép cường độ cao song song hoặc bện xoắn được chế tạo sẵn theo Tiêu chuẩn ASTM A603, là thành phần cơ bản để chế tạo cáp chủ và dây treo.

8. Mố neo là kết cấu khối lớn bằng bê tông cốt thép và đá xây có phần chìm trong đất để tạo ra trọng lượng và áp lực bị động phía trước khối neo đủ khả năng làm đối trọng neo giữ cáp chủ.

9. Tháp cầu là kết cấu có nhiệm vụ đỡ cáp chủ trên đỉnh cột tháp. Tháp cầu được xây dựng theo dạng khung cổng bằng thép hay bê tông cốt thép (BTCT) bên trên mố hoặc trụ bờ.

10. Khổ cầu (B1) là khoảng trống giữa hai gờ chắn bánh (bằng gỗ hoặc bằng thép) dành cho người và xe qua cầu, đơn vị đo là mét.

11. Chiều rộng cầu (B) là khoảng cách giữa tim 2 dây treo theo phương ngang cầu tại vị trí liên kết với dầm ngang, đơn vị đo là mét.

12. Đường tên cáp chủ (f) là độ chênh cao giữa cao độ điểm giữa của đường nối 2 đỉnh tháp theo phương dọc cầu và cao độ của cáp chủ tại vị trí giữa nhịp cầu, đơn vị đo là mét.

13. Chiều dài nhịp cầu (L) là khoảng cách giữa hai tim tháp cầu theo phương dọc cầu, đơn vị đo bằng mét.

14. Các chữ viết tắt

[...]