Thứ 3, Ngày 05/11/2024

Thông tư 11/2009/TT-BCT quy định chi tiết một số điều Nghị định 107/2008/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 11/2009/TT-BCT
Ngày ban hành 20/05/2009
Ngày có hiệu lực 04/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Cẩm Tú
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 11/2009/TT-BCT

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 107/2008/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG, TĂNG GIÁ QUÁ MỨC, ĐƯA TIN THẤT THIỆT, BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;

Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107) như sau:

Mục I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9,10,11, 12, 13 Nghị định số 107.

Điều 2. Điều kiện áp dụng

1. Việc xử phạt hành chính đối với các hành vi quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 chỉ được áp dụng khi đủ hai điều kiện sau:

a) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá và Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003, Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP.

b) Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi cả nước, từng khu vực (thì được xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên trong cả nước hoặc khu vực được công bố) hoặc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi địa phương (thì chỉ xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên địa bàn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố).

Điều 3. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại Giấy phép kinh doanh

Về tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại Giấy phép kinh doanh quy định tại Nghị định số 107 áp dụng như sau:

- Tước quyền sử dụng các loại giấy trên có thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên tối đa không quá mười hai tháng; xác định thời hạn tước quyền sử dụng các loại giấy trên phải căn cứ vào trị giá hàng hoá vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

- Tước quyền sử dụng các loại giấy trên không thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên với thời gian từ trên mười hai tháng trở lên và chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi vi phạm hành chính; việc xác định hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Mục II. HÀNH VI VI PHẠM VÀ ÁP DỤNG HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT

Điều 4. Xử phạt hành vi đầu cơ hàng hoá

1. Về hành vi vi phạm

Trường hợp trong thời gian và khu vực công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá mà người kinh doanh đi mua hàng hoá ở ngoài khu vực để đưa về khu vực có biến động bất thường được cấp có thẩm quyền công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá để bán ra ổn định thị trường thì không coi là hành vi đầu cơ hàng hoá, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đầu cơ hàng hoá.

2. Cách tính giá trị hàng hoá, xác định lượng và giá hàng hoá mua vét, mua gom:

Giá trị hàng hoá mua vét, mua gom = giá mua x lượng hàng hoá mua vét, mua gom.

Trong đó:

- Xác định giá:

Căn cứ xác định giá thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Xác định lượng gồm:

+ Hàng hoá đang mua vét, mua gom;

+ Hàng hoá mua vét, mua gom đang để trong kho, cửa hàng;

[...]