Thông tư 108-TTNN năm 1990 hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế (theo Pháp lệnh HĐKT ngày 25/9/89 và Nghị định 17-HĐBT ngày 16/1/1990 thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế) do Trọng Tài nhà nước ban hành

Số hiệu 108-TTNN
Ngày ban hành 19/05/1990
Ngày có hiệu lực 19/05/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Trọng tài kinh tế Nhà nước
Người ký Lê Tài
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108-TTNN

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1990

 

THÔNG TƯ

CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 108-TTNN NGÀY 19-5-1990 HƯỚNG DẪN KÍ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ (THEO PHÁP LỆNH HĐKT NGÀY 25-9-1989 VÀ NGHỊ ĐỊNH 17-HĐBT NGÀY 16-1-1990 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH HỢP ĐỒNG KINH TẾ)

Căn cứ điều 26 Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh HĐKT ngày 25-9-1989, Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành Thông tư này hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo quy định tại các văn bản nói trên.

I. PHẠM VI CỦA HỢP ĐỒNG KINH TẾ

1/ Theo quy định tại các điều 1, 2 và Điều 11 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì các hợp đồng có đủ điều kiện sau đây mới gọi là hợp đồng kinh tế:

a) Hợp đồng có nội dung thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.

b) Các bên ký kết hợp đồng là pháp nhân với pháp nhân hoặc pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều kiện để được thừa nhận là pháp nhân, cá nhân có đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật đã dược quy định tại Điều 1 Nghị định 17-HĐBT ngày 16-1-1990).

c) Hợp đồng được ký kết bằng văn bản hoặc bằng tài liệu giao dịch. Hợp đồng ký kết bằng văn bản tức là hai bên cùng ký hoặc một bên ký trước, bên khác ký sau nhưng cùng ký trên một văn bản. Hợp đồng ký kết bằng tài liệu giao dịch chỉ bao gồm những loại tài liệu như công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn dặt hàng. (Các hình thức giao dịch khác như thư từ, điện thoại, giấy giới thiệu, giấy biên nhận, biên lai, hoá đơn, vé tàu xe , sổ tiết kiệm v.v... không được xem là tài liệu giao dịch để ký kết hợp đồng kinh tế, mà chỉ có ý nghĩa làm chứng cứ trong quan hệ hợp đồng kinh tế, đã được ký kết bằng văn bản hoặc bằng tài kiệu giao dịch, công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng).

Như vậy, trong quan hệ hợp đồng nếu thiếu 1 trong 3 điều kiện nói trên thì quan hệ hợp đồng đó không thuộc phạm vi của HĐKT.

2/ Theo quy định tại Điều 42, 43 Pháp lệnh HĐKT thì quan hệ hợp đồng giữa các bên sau đây được áp dụng các quy định của Pháp lệnh HĐKT :

a) Giữa pháp nhân với người làm công tác khoa học - kĩ thuật , nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân, cá thể;

b) Giữa pháp nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam .

Trong các trường hợp này, tuy một bên không phải là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, nhưng do được áp dụng các quy định của Pháp lệnh HĐKT trong ký kết và thực hiện hợp đồng, nên những hợp đồng đó cũng được xem là HĐKT. Ví dụ: hộ gia đình xã viên (sau khi đã nhận khoán với HTX) ký hợp đồng với các tổ chức làm dịch vụ (cày bừa máy, thuỷ nông, bảo vệ thực vật v.v...), hoặc với các tổ chức mua bán (phân bón, sản phẩm...), mà các tổ chức dịch vụ, mua bán đó là pháp nhân thì những hợp đồng này là hợp đồng kinh tế.

Tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là những tổ chức và cá nhân nước ngoài đang thường trú tại Việt Nam. Nếu tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài đó đã tham gia các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài), thì các xí nghiệp này là pháp nhân Việt Nam, do đó quan hệ kinh tế giữa họ (xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài) với nhau hoặc giữa họ với các đơn vị kinh tế của Việt Nam là quan hệ HĐKT. Còn quan hệ giữa các bên liên doanh với nhau (bên Việt Nam và bên nước ngoài) trong hợp đồng liên doanh hoặc trong hợp đồng hợp tác kinh doanh thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật HĐKT, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có những tổ chức và cá nhân nước ngoài vào và ở Việt Nam không phải với mục đích đầu tư kinh doanh (cơ quan đại sứ quán, lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế, ngoại kiều...). Nhưng trong nhu cầu công việc và đời sống của họ cần có những quan hệ hợp đồng với các đơn vị kinh tế của Việt Nam. Trường hợp này, nếu đơn vị kinh tế của Việt Nam là pháp nhân thì quan hệ hợp đồng đó được xem là quan hệ HĐKT. Những hợp đồng giữa một bên là đơn vị kinh tế của Việt Nam với một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài không có trụ sở và thường trú tại Việt Nam thì không phải là HĐKT. Trường hợp tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài có đại diện thường trú tại Việt Nam, thì chỉ những quan hệ hợp đồng nào ký kết với pháp nhân Việt Nam có nội dung phục vụ cho nhu cầu công việc và đời sống của đại diện tại Việt Nam, mới thuộc phạm vi của hợp đồng kinh tế, còn những quan hệ hợp đồng mà họ ký với tư cách là đại diện một tổ chức hoặc một cá nhân nước ngoài có nội dung không phải là phục vụ cho nhu cầu công việc và đời sống tại chỗ của họ thì không thuộc phạm vi hợp đồng kinh tế.

II . ĐẠI DIỆN TRONG QUAN HỆ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

1/ Đại diện ký kết hợp đồng kinh tế .

Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh HĐKT, Điều 5 Nghị định 17-HĐBT thì:

a) Mỗi bên tham gia quan hệ HĐKT chỉ cần một đại diện để ký HĐKT. Nếu là pháp nhân thì phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân đó. Đại diện hợp pháp của pháp nhân là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó (người phó không phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân). Nếu là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì đại diện phải là người đứng tên xin giấy phép kinh doanh, được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định về đăng ký kinh doanh. Trong tất cả các trường hợp, không bắt buộc kế toán trưởng phải cùng ký với đại diện vào bản HĐKT.

b) Trường hợp một bên là người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân thì người ký HĐKT phải là người trực tiếp thực hiện công việc trong HĐKT đó, nếu có nhiều người cùng làm thì người ký vào HĐKT phải do tất cả những người đó cử. Văn bản cử người thay mặt ký HĐKT phải có chữ ký của tất cả những người đó và phải kèm theo HĐKT. Khi một bên là hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể thì đại diện phải là chủ hộ; là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thì đại diện phải do tổ chức đó uỷ nhiệm bằng văn bản; là cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì bản thân họ phải là người ký hợp đồng kinh tế.

2/ Đại diện trong quá trình thực hiện HĐKT và trong tố tụng trọng tài kinh tế.

Đại diện ký kết HĐKT như đã nêu trên cũng chính là đại diện đương nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế và trong tổ chức tố tụng trọng tài kinh tế;

III. UỶ QUYỀN ĐẠI DIỆN

1/ Đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh có thể uỷ quyền cho người khác thay mình để ký kết hợp đồng kinh tế (trừ những loại HĐKT mà pháp luật đã quy định phải đăng ký, những hợp đồng kinh tế dược ký kết bằng tài liệu giao dịch : công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng).

2/ Đại diện đương nhiên của các bên trong quá trình thực hiện HĐKT và tố tụng trọng tài kinh tế (như đã nêu tại điểm 2 mục II) có thể uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc của HĐKT cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng trọng tài kinh tế.

3/ Việc uỷ quyền cho người khác làm đại diện phải được làm thành văn bản có ghi rõ họ tên, chức vụ, nơi làm việc,giấy chứng minh của người được uỷ quyền, phạm vi uỷ quyền và thời hạn uỷ quyền.

4/ Người được uỷ quyền chỉ được phép hành động trong phạm vi được uỷ quyền và không được uỷ quyền lại cho người thứ ba. Trong phạm vi đã uỷ quyền, người uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về hành động của người được uỷ quyền như là hành động của chính mình.

5/ Những trường hợp sau đây, có thể áp dụng việc uỷ quyền thường xuyên:

a) Đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân không đầy đủ (thiếu 1 trong 4 điều kiện của pháp nhân theo quy định tại điểm 1 điều 1 Nghị định 17-HĐBT ngày 16-1-1990), nhưng lại có quan hệ kinh tế thường xuyên với nhiều dơn vị kinh tế khác;

[...]