Thông tư 102/2006/TT-BNN hướng dẫn Nghị định 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 102/2006/TT-BNN
Ngày ban hành 13/11/2006
Ngày có hiệu lực 10/12/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Diệp Kỉnh Tần
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
 PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
*****

Số: 102/2006/TT-BNN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*****

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 135/2005/NĐ-CP NGÀY 08/11/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GIAO KHOÁN ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐẤT RỪNG SẢN XUẤT VÀ ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TRONG CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày  08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 135/2005/NĐ-CP);
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều trong Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ như sau:

Phần I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. Đối tượng giao, nhận khoán

1. Bên giao khoán: bao gồm:

1.1. Nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp nhà nước (gọi chung là nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh) hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; giao đất rừng sản xuất, cho thuê đất rừng sản xuất, giao hoặc cho thuê đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản;

1.2. Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng đặc dụng (gọi chung là Ban Quản lý rừng) có đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên và đất rừng trồng;

1.3. Công ty cổ phần, trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối và công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh; các trung tâm, trạm, trại trực tiếp sản xuất có sử dụng đất nông, lâm nghiệp vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

2. Bên nhận khoán: bao gồm:

2.1. Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho bên giao khoán;

2.2. Hộ gia đình có người đang làm việc cho bên giao khoán hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, hưởng chế độ đang cư trú hợp pháp trên địa bàn  nơi có đất của bên giao khoán;

2.3. Hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đang cư trú hợp pháp trên địa bàn nơi có đất của bên giao khoán. Khi xét, giải quyết cho các hộ thuộc đối tượng này, bên giao khoán phải ưu tiên giải quyết cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn có nhu cầu và đủ năng lực nhận khoán.

Khi xét giải quyết cho các đối tượng nhận khoán quy định tại điểm 2.2. và 2.3. bên giao khoán cần ưu tiên cho các đối tượng cư trú hợp pháp theo thứ tự sau:

- Đối tượng đang cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, nơi có đất của bên giao khoán;

- Đối tượng đang cư trú hợp pháp trên địa bàn huyện, nơi có đất của bên giao khoán;

II. Hình thức giao khoán bao gồm:

1. Khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ kinh doanh.

2. Khoán công đoạn: khoán một hay nhiều công đoạn theo quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đối với cây lâu năm.

3. Khoán theo vụ, năm hoặc khoán ổn định theo thoả thuận giữa hai bên đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

III. Hồ sơ, trình tự và thủ tục giao, nhận khoán

1. Hồ sơ giao khoán, nhận khoán đất bao gồm:

1.1. Đơn xin nhận giao khoán đất do bên nhận khoán viết theo mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2. Hợp đồng giao khoán, nhận giao khoán đất do bên giao khoán chuẩn bị sau khi đã thống nhất nội dung với bên nhận khoán. Trong hợp đồng giao khoán, nhận khoán đất phải thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bên giao khoán và bên nhận giao khoán theo quy định tại Điều 3, 9, 10 của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP. Trường hợp bên nhận khoán là cán bộ, công nhân viên thì tiền lương được hưởng từ kết quả sản xuất thông qua nhận khoán và phải thực hiện đầy đủ các chế độ quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và được ghi thành khoản chi phí sản xuất trong hợp đồng giao khoán, nhận khoán đất.

Hợp đồng giao khoán thực hiện theo mẫu quy định tại mẫu số 03/HĐ ban hành kèm theo Thông tư này.

Mẫu hợp đồng quy định những vấn đề chung. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của bên giao khoán đã được nhà nước giao, cho thuê đất; giao, cho thuê rừng sản xuất; giao, cho thuê đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đang thực hiện giao khoán đất theo Nghị định số 01/CP, các bên có thể thoả thuận các nội dung cụ thể trong hợp đồng cho phù hợp với điều kiện thực tế. Trước khi ký kết hợp đồng, hai bên có trách nhiệm xác định toàn bộ giá trị tài sản trên đất đã giao khoán, nhận khoán

Hợp đồng được điều chỉnh, bổ sung khi phương án sản xuất, kinh doanh của bên giao khoán được phê duyệt lại hoặc chế độ, chính sách của nhà nước thay đổi.

[...]