Thông tư 10/TT-NH1 năm 1994 hướng dẫn việc cung cấp số liệu ở tài khoản quy định tại Điều 5 NGhị định 91-CP 1993 về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 10/TT-NH1
Ngày ban hành 25/06/1994
Ngày có hiệu lực 25/06/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Cao Sĩ Kiêm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/TT-NH1

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 10/TT-NH1 NGÀY 25-6-1994 HƯỚNG DẪN VIỆC CUNG CẤP SỐ LIỆU Ở TÀI KHOẢN THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 NGHỊ ĐỊNH SỐ 91-CP NGÀY 25-11-1993 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔ CHỨC THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Ngày 25-11-1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91-CP về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Điều 5 Nghị định trên, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Số liệu ở Tài khoản của các đơn vị và cá nhân tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (dưới đây gọi chung là Ngân hàng) và Kho bạc Nhà nước được cung cấp trong các trường hợp sau đây:

1.1. Theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền bằng văn bản;

1.2. Theo quy định của Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng, Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước phục vụ hoạt động nghiệp vụ trong nội bộ Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước;

1.3. Theo yêu cầu giám sát, kiểm tra, báo cáo, thống kê của các cơ quan tài chính, thống kê và cơ quan chủ quản theo quy định của pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành theo lệnh số 6LCT/HĐNN8 ngày 20-5-1988 của Chủ hội đồng Nhà nước; và các quy định cụ thể của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê;

1.4. Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Văn bản yêu cần Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước cung cấp số liệu tài khoản phải do những người sau đây ký.

1.4.1. Viện trưởng, Phó viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân và Viện Kiểm sát quân sự các cấp;

1.4.2. Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

1.4.3. Thẩm phán toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương trở lên hoặc thẩm phán toà án quân sự cấp quân khu trở lên được phân công làm chủ toạ phiên toà;

1.4.4. Trưởng công an, phó trưởng công an cấp quận, huyện và cấp tương đương trở lên; Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương trở lên; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong quân đội nhân dân. Đối với yêu cầu cung cấp số liệu cho các cơ quan này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thực hiện;

1.4.5. Chấp hành viên các cơ quan thi hành án các cấp được giao thi hành các bản án theo quyết định của toà án các cấp;

1.4.6. Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra các tổ chức thanh tra Nhà nước các cấp (bao gồm cả thanh tra các Bộ, ngành).

2. Quá trình xem xét, giám định hoặc sao chụp số liệu và tài liệu có liên quan phải có sự chứng kiến của nhân viên theo dõi tài khoản, kế toán trưởng, lãnh đạo Ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản. Toàn bộ diễn biến của quá trình cung cấp số liệu, giám định hoặc sao chụp hai bên phải lập biên bản ghi rõ địa điểm tiến hành, thời gian bắt đầu và kết thúc; Nội dung cung cấp; tên, chức vụ, nơi làm việc, chữ ký của những người tiến hành điều tra, người cung cấp và chứng kiến.

Biên bản gốc phải được lưu tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước và bảo quản lâu dài trong hồ sơ đặc biệt do Thủ trưởng cơ quan trực tiếp lưu giữ.

Việc giám định, xem xét hoặc sao chụp tài liệu chỉ được tiến hành tại nơi quy định tại trụ sở Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản và lưu giữ tài liệu. Tài liệu gốc phải được bảo quản nguyên vẹn, không được mang tài liệu gốc ra ngoài nơi quy định.

Trong quá trình điều tra, xem xét hoặc sao chụp tài liệu gốc, nếu ai làm hư hỏng, thất lạc hoặc tẩy xoá sửa chữa tài liệu gốc phải lập biên bản, quy trách nhiệm và xử lý hành chính hoặc truy tố theo quy định của pháp luật.

3. Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước khi cung cấp số liệu trên tài khoản của đơn vị hoặc cá nhân theo các quy định trong Thông tư này phải bảo đảm trung thực, chính xác và chỉ cung cấp số liệu theo yêu cầu ghi trong văn bản và cho người được uỷ quyền thực hiện văn bản đó. Nếu ai vi phạm các quy định trong Thông tư này, gây thiệt hại cho khách hàng, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thì người đó phải đền bù thiệt hại và bị xử lý kỷ luật hành chính, nếu nghiêm trọng sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Các Vụ, Cục, Ban có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển và Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các quy định trong Thông tư này.

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)