Thông tư 10/2000/TT-BXD hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 10/2000/TT-BXD
Ngày ban hành 08/08/2000
Ngày có hiệu lực 23/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Mạnh Kiểm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 10/2000/TT-BXD NGÀY 8 THÁNG 8 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo cho các đô thị và khu dân cư nông thôn phát triển bền vững. Bộ Xây dựng hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mục đích lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là ĐTM) là bộ phận cấu thành nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng nhằm mục đích sau:

1.1. Cụ thể hoá Điều 9 - Chương 3 Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ, trong đó quy định chủ đầu tư, chủ quản dự án phải thực hiện đánh giá ĐTM khi lập các đồ án quy hoạch tổng thể phát triển vùng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quy hoạch đô thị, khu dân cư.

1.2. Phân tích, đánh giá thực trạng môi trường; dự báo nhu cầu sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị - nông thôn; dự báo các chất thải gây ô nhiễm môi trường và những tác động xấu có thể xảy ra do các hoạt động được dự kiến trong đồ án quy hoạch xây dựng, từ đó kiến nghị hoàn chỉnh giải pháp thiết kế quy hoạch xây dựng và các chính sách biện pháp hợp lý để bảo vệ môi trường, phòng ngừa hoặc xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho các đô thị và khu dân cư nông thôn phát triển ổn định và bền vững.

1.3. Xác lập cơ sở cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch, kiểm tra giám sát môi trường các đô thị, khu dân cư nông thôn trong quá trình cải tạo và phát triển.

2. Đối tượng áp dụng

Tất cả các đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ; quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư nông thôn và quy hoạch xây dựng chuyên ngành đều phải lập báo cáo ĐTM.

Đối với các đồ án quy hoạch chi tiết mặt bằng dự án đầu tư xây dựng các khu tập trung như: khu đô thị mới, khu công nghiệp và các khu chức năng khác do một chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất đảm nhiệm thì chỉ phải lập báo cáo ĐTM một lần khi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

3. Giải thích một số thuật ngữ

- Môi trường: Các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

- Môi trường nền: Hiện trạng của môi trường trong phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng và các khu vực có liên quan chịu tác động bởi các hoạt động do quy hoạch xây dựng dự kiến.

- Thành phần môi trường: Các yếu tố tạo thành môi trường như: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

- Hệ sinh thái: Hệ thống quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.

- Đánh giá tác động môi trường (ĐTM): là quá trình nghiên cứu, nhận dạng, dự báo và phân tích những tác động môi trường quan trọng của một dự án nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để nâng cao chất lượng của việc ra quyết định.

- Sàng lọc: (Screening) là công việc cần thực hiện ở giai đoạn ban đầu của nghiên cứu ĐTM nhằm phân tích quy mô, phạm vi, mức độ tác động môi trường của dự án, từ đó xác định sự cần thiết và mức độ phải tiến hành ĐTM.

- Phạm vi của ĐTM: là giới hạn về mặt không gian, nội dung, nguồn gốc, các vấn đề trọng tâm phải nghiên cứu ĐTM và quá trình diễn biến của tác động môi trường về mặt thời gian theo từng giai đoạn quy hoạch.

- Sự cố môi trường: Các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng.

- Suy thoái môi trường: Sự thay đổi về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường gây ảnh hướng xấu cho đời sống con người và thiên nhiên.

- Chất gây ô nhiễm môi trường: Những chất gây ô nhiễm vật lý, hoá học, sinh học và các chất khác làm cho môi trường trở thành độc hại.

- Ô nhiễm môi trường: Sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của nhà nước.

- Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường: Những chuẩn mực, giới hạn cho phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định dùng làm căn cứ để quản lý, bảo vệ môi trường.

4. Các căn cứ để lập báo cáo ĐTM

Căn cứ để lập báo cáo ĐTM đối với các đồ án quy hoạch xây dựng gồm:

4.1. Các đồ án quy định xây dựng được tổ chức có tư cách pháp nhân lập;

[...]