Thông tư 08/2007/TT-BCA hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 08/2007/TT-BCA
Ngày ban hành 24/07/2007
Ngày có hiệu lực 31/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2007/TT-BCA

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2007 

HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn phân loại, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân như sau:

I. PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ ĐƠN

1. Phân loại đơn

Đơn khiếu nại, tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm và đề nghị thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan Công an và đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, cơ quan Công an trong lĩnh vực tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, được gọi chung là đơn, gồm 4 loại như sau: Đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn tố giác tội phạm và đơn đề nghị.

1.1. Đơn khiếu nại

Đơn khiếu nại gồm ba loại cụ thể như sau:

a) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, cán bộ, chiến sỹ Công an: Là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo thủ lục do pháp luật khiếu nại, tố cáo quy định đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó lá trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

b) Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sỹ Công an theo thủ tục do pháp luật khiếu nại, tố cáo quy định đề nghị Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền trong Công an nhân dân xem xét lại quyết định kỷ luật khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự của cơ quan, cán bộ Công an có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục quy định tại Chương XXXV của Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, cán bộ Công an có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Quyết định tố tụng hình sự nói trong Thông tư này là quyết định được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ Công an có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Hành vi tố dụng nói trong Thông tư này là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ Công an có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

1.2. Đơn tố cáo

Đơn tố cáo gồm hai loại cụ thể như sau:

a) Đơn tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự: Là việc công dân theo thủ tục do pháp luật khiếu nại, tố cáo quy định, báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết hành vi vi phạm pháp luật, phẩm chất đạo đức, những điều cấm cán bộ chiến sỹ CAND không được làm và các vấn đề về chính trị nội bộ (nhưng không có dấu hiệu tội phạm, không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự) của bất cứ cán bộ, chiến sỹ Công an nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức;

b) Đơn tố cáo thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự: Là việc công dân báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cán bộ Công an có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, mà họ cho rằng hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

1.3. Đơn tố giác tội phạm: Là việc công dân báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, hành vi phạm tội và thông tin khác về tội phạm của bất cứ cá nhân nào.

1.4. Đơn đề nghị: Là việc công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết sự việc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của xã hội.

2. Xử lý đơn

Cơ quan Công an khi nhận được các loại đơn phải khẩn trương đối chiếu với quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của mình để xử lý; trường hợp thuộc thẩm quyền thì thụ lý giải quyết; trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc không đủ điều kiện thụ lý thì xử lý theo hướng dẫn sau:

2.1. Xử lý đơn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Công an.

a) Xử lý đơn khiếu nại.

- Xử lý đơn khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và đơn khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sỹ Công an.

Khi xử lý các loại đơn này cần căn cứ vào thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sỹ Công an (đã hướng dẫn tại mục 1, phần II và mục 2, phần III Thông tư này) để chuyển đơn đến Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

[...]