Thông tư 08/2006/TT-BCN hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng do Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 08/2006/TT-BCN
Ngày ban hành 16/11/2006
Ngày có hiệu lực 18/12/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2006/TT-BCN

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC DÁN NHÃN TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010;

Bộ Công nghiệp hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng.

2. Đối tượng áp dụng

Các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tiêu thụ năng lượng trong Danh mục các sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn có quyền đề nghị Bộ Công nghiệp đánh giá và cấp giấy chứng nhận tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm nếu đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Công nghiệp quy định.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Giải thích từ ngữ

a) Danh mục các sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn là danh mục các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đánh giá được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và được bổ sung hàng năm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

b) Nhãn tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán lên sản phẩm tiêu thụ năng lượng có hiệu quả cao nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng lựa chọn khi mua hàng. Nhãn tiết kiệm năng lượng bao gồm hai hình thức:

- Nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán cho các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường khi những sản phẩm này có mức sử dụng năng lượng đạt hoặc vượt tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp quy định theo từng thời kỳ. Mẫu nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được quy định chi tiết tại phần A, Phụ lục 4 của Thông tư này.

- Nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán cho các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin để so sánh mức năng lượng tiêu thụ của sản phẩm được dán nhãn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trên nhãn ghi rõ thông tin về mức năng lượng tiêu thụ và các quy định cụ thể giúp người sử dụng lựa chọn được sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn so với sản phẩm cùng loại; quy cách nhãn so sánh tiết kiệm năng lượng được quy định chi tiết tại phần B, Phụ lục 4 của Thông tư này.

c) Dán nhãn tiết kiệm năng lượng là hình thức dán nhãn tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

d) IECEE Schemes là phương thức chứng nhận của Uỷ ban quốc tế về thiết bị điện tử đối với hoạt động thử nghiệm thiết bị điện, điện tử.

đ) ILAC (International Laboratory Accreditation Cooperation) là Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận quốc tế.

e) APLAC (Asia Pacific Laboratory Accreditation Cooperation) là Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận Châu Á - Thái Bình Dương.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Đơn vị thử nghiệm

Các phòng thử nghiệm sau đây sẽ được xem xét, chỉ định thử nghiệm sản phẩm sử dụng năng lượng để làm cơ sở chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng:

1. Phòng thử nghiệm chuyên ngành đã được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS hoặc các phòng thử nghiệm đã được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC và APLAC);

2. Phòng thử nghiệm chưa được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS nhưng có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng được Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm tra, đánh giá và chỉ định thực hiện chức năng thử nghiệm sản phẩm sử dụng năng lượng để dán nhãn tiết kiệm năng lượng, cụ thể như sau:

a) Về năng lực chuyên môn:

- Có nhân viên thử nghiệm được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật năng lượng bậc cao đẳng trở lên và có ít nhất hai năm kinh nghiệm thử nghiệm;

[...]