Thông tư 07-TT/LB năm 1961 về việc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch toàn miền Bắc và điều tra điển hình tình hình dân số phát triển năm 1960 do Bộ Nội vụ-Tổng cục Thống kê ban hành

Số hiệu 07-TT/LB
Ngày ban hành 09/02/1961
Ngày có hiệu lực 24/02/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Tổng cục Thống kê
Người ký Nguyễn Đức Dương,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Quyền dân sự

TỔNG CỤC THỐNG KÊ-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TỔNG KIỂM TRA CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH TOÀN MIỀN BẮC VÀ ĐIỀU TRA ĐIỂN HÌNH TÌNH HÌNH DÂN SỐ PHÁT TRIỂN NĂM 1960

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính
- Chi Cục thống kê các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vỉnh Linh

Cuộc điều tra dân số tiến hành ngày 01/3/1960 trên toàn miền Bắc đã thu được những thắng lợi rực rỡ, đã cung cấp cho Nhà nước những số liệu chính xác làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, và giúp cho các ngành cơ sở vững chắc để xây dựng và điều chỉnh kịp thời các chủ trương, chính sách và chỉ tiêu công tác. Song song với cuộc điều tra dân số, công tác đăng ký hộ tịch cũng đã được củng cố, và bước đầu đi vào nền nếp. Nhận thức đối với công tác này của cấp lãnh đạo, của cán bộ và của nhân dân đã được nâng cao; việc củng cố tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc đã có những biến chuyển tốt, biểu hiện cụ thể bằng tỷ lệ đăng ký ngày một lên cao.

Muốn đảm bảo thu thập số liệu chính xác về sự biến chuyển dân số sau ngày 01/3/1960, bổ sung đầy đủ và kịp thời các số liệu của cuộc điều tra dân số vừa qua, giúp cho việc tính toán tỷ lệ phát triển dân số hàng năm, công tác hộ tịch, phải đảm bảo đăng ký được 100%, các việc sinh, tử, kết hôn xảy ra trong toàn thể nhân dân ta ở miền Bắc. Nhưng hiện nay, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, công tác hộ tịch vẫn còn có một số khó khăn cần phải giải quyết, và chưa đạt được yêu cầu nói trên.

Để nắm được tình hình thực tế hiện nay của công tác đăng ký hộ tịch, và có kế hoạch đẩy mạnh công tác đó, đảm bảo đến cuối năm 1961 đăng ký 100% các việc sinh, tử, kết hôn trong toàn thể nhân dân ta ở miền Bắc, Bộ Nội vụ chủ trương tiến hành một cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch vào tháng 3/1961. Đồng thời, để nắm được một cách tương đối chính xác sự phát triển dân số trong một năm, sau ngày 01/3/1960, Tổng cục Thống kê chủ trương tiến hành một cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển, lấy những số liệu thu thập được để tính cho toàn miền Bắc. Nội dung của cuộc điều tra điển hình này có nhiều điểm giống nội dung của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch, cho nên Bộ Nội vụ và Tổng cục Thống kê thống nhất ý kiến về việc kết hợp cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch trên toàn miền Bắc và cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển từ ngày 01/3/1961.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển và cuộc tổng kiểm tra công tác hộ tịch nhằm:

- Tính tỷ lệ dân số phát triển trong năm 1960 (như đã làm năm 1959), trên cơ sở đó, nghiên cứu các quy luật về nhân khẩu, đồng thời giúp cho việc ước tính và điều chỉnh số liệu dân số hàng năm;

- Đánh giá đúng kết quả thực tế của việc củng cố công tác hộ tịch từ đầu năm 1960 đến nay, biểu hiện cụ thể bằng tỷ lệ đăng ký các việc sinh, tử, kết hôn so với thực tế đã xảy ra; mặt khác, nắm được cụ thể những địa phương đã làm tốt công tác hộ tịch, những địa phương còn yếu, thấy rõ nguyên nhân, để có kế hoạch tăng cường giúp đỡ, nhằm đẩy mạnh và toàn diện, đảm bảo đạt được tỷ lệ đăng ký 100% các việc sinh tử, kết hôn xảy ra trong nhân dân trên toàn miền Bắc; trên cơ sở đó, Tổng Cục Thống kê sẽ sử dụng, khai thác các số liệu do công tác đăng ký hộ tịch cung cấp, để tính tỷ lệ dân số phát triển mà sau này, không cần phải tổ chức điều tra điển hình tình hình dân số phát triển nữa.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG

Yêu cầu của cuộc tổng kiểm tra công tác hộ tịch là kiểm tra số việc sinh, tử, kết hôn đã thực tế xảy ra và số việc đã đăng ký trên toàn miền Bắc, nhưng chủ yếu là nắm chắc các xã điển hình, để ước tính rộng ra cho toàn thể các xã khác. Những xã điển hình của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch cũng sẽ là những xã điển hình của cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển; như vậy, việc kết hợp giữa hai công tác đó được chặt chẽ, sự lãnh đạo được tập trung thống nhất, cán bộ hướng dẫn thực hiện đầy đủ.

Diện điển hình của hai công tác này quy định như sau:

1. Vùng thành thị:

- Ở ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng va Nam Định, dân số đông, nên tiến hành điều tra khoảng từ 10% đến 15% nhân khẩu;

- Ở các thị xã lớn, có trên 10.000 dân thì tiến hành điều tra khoảng 50% nhân khẩu;

- Ở các thị xã có dưới 10.000 dân thì tiến hành điều tra cả 100% nhân khẩu.

2. Vùng nông thôn.

Căn cứ theo điều kiện thuận lợi và khó khăn của mỗi nơi mà quy định diện điều tra như sau:

- Ven biển, đồng bằng, trung du, từ 10% đến 15% nhân khẩu;

- Miền núi: Từ 7% đến 10% nhân khẩu (không kể các xã rẻo cao). Riêng đối với vùng rẻo cao, mỗi tỉnh điều tra 1 hay 2 xã, vào khoảng 5% dân số vùng rẻo cao.

Đối tượng của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch là tất cả những hộ người Việt Nam trên toàn miền Bắc đã có những việc sinh, tử, kết hôn xảy ra từ ngày 01/3/1960 đến ngày 01/3/1961. Riêng đối với cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển thì chỉ điều tra trong phạm vi những đơn vị hành chính mà các khu, thành, tỉnh đã chọn làm điển hình, với nội dung như sau:

- Số người đi và đến, có chia ra nam, nữ, để tính dân số bình quân trong thời gian từ 01/3/1960 đến 01/3/1961;

- Số trẻ em mới sinh chia theo nam nữ và từng tháng;

- Số người chết chia theo nam nữ và từng tuổi (đối với trẻ em dưới 1 tuổi, lấy theo tháng);

- Tổng số việc kết hôn xảy ra trong thời gian đó.

III. PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Việc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch phải làm toàn diện nhưng có trọng điểm, thống nhất với các đơn vị được chọn làm điển hình của cuộc điều tra dân số phát triển. Khi tiến hành công tác, cần làm nhanh, gọn, nhưng đảm bảo thu thập số liệu đầy đủ và chính xác, tránh bỏ sót, tránh ghi trùng.

[...]