Thông tư 07-BYT/TT năm 1994 hướng dẫn Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định 6-CP-1994 về cụ thể hoá một số Điều của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y tư nhân do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 07-BYT/TT
Ngày ban hành 30/04/1994
Ngày có hiệu lực 30/04/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Ngọc Trọng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-BYT/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 7-BYT/TT NGÀ Y 30-4-1994 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LỆNH HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC TƯ NHÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 6-CP NGÀY 29-02-1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC TƯ NHÂN THUỘC LĨNH VỰC HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN 

Căn cứ Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và Nghị định số 6-CP ngày 29-1-1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số điều của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết việc hành nghề y tư nhân như sau :

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân bao gồm:

- Bệnh viện tư nhân;

- Phòng khám bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa;

- Phòng khám chữa răng và làm răng giả;

- Phòng xét nghiệm, thăm dò chức năng;

- Phòng chiếu, chụp X quang;

- Cơ sở giải phẫu thẩm mỹ;

- Cơ sở dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng;

- Nhà hộ sinh tư;

- Cơ sở dịch vụ kế hoạch hoá gia đình: đặt vòng tránh thai, hút điều hoà kinh nguyệt, biện pháp đình sản không dùng dao cho nam giới và tư vấn về kế hoạch hoá gia đình;

- Cơ sở dịch vụ y tế tiêm, chích, thay băng.

2. Công chức, viên chức tại chức trong bộ máy Nhà nước, sĩ quan tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân không được phép tham gia thành lập hoặc quản lý bệnh viện tư nhưng được phép hành nghề y tư nhân ngoài giờ làm việc dưới các hình thức tổ chức khác theo quy định tại mục I.1, nếu các đối tượng đó được Thủ trưởng cơ quan đồng ý cho phép.

3. Quyền sở hữu về cơ sở vật chất, Quyền thừa kế về tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ cơ sở hành nghề y tư nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người đăng ký hành nghề y tư nhân ở các vùng cao, vùng núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh.

5. Người đăng ký hành nghề y tư nhân phải nộp lệ phí thẩm định theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

II. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI HÌNH THỨC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ Y TƯ NHÂN VÀ PHẠM VI CHUYÊN MÔN ĐƯỢC HÀNH NGHỀ

1. Tiêu chuẩn và phạm vi chuyên môn được hành nghề y tư nhân của người đăng ký hành nghề y tư nhân :

Ngoài các tiêu chuẩn của người đăng ký hành nghề y tư nhân được quy đinh tại điều 6, điều 11 của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, người đăng ký hành nghề y tư nhân phải có các tiêu chuẩn chuyên môn cụ thể cho từng loại hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân như sau:

a) Giám đốc bệnh viện tư nhân phải là bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, được Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế kiểm tra xác nhận có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

b) Người đăng ký các phòng khám đa khoa, chuyên khoa phải là bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước hoặc tư nhân.

c) Người đăng ký phòng khám, chữa răng và làm răng giả phải là bác sĩ chuyên khoa răng đã qua thực hành 5 năm liên tục ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa này. Riêng thợ trồng răng đã hành nghề từ năm 1980 trở về trước, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương được làm các dịch vụ về răng giả, hàm giả theo quy định trong giấy phép.

d) Người đăng ký phòng xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng, phòng chiếu, chụp X quang phải là bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên khoa đã qua thực hành 5 năm liên tục ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa của mình.

đ) Người đăng ký cơ sở giải phẫu thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã qua thực hành 5 năm liên tục ở cơ sở về chuyên khoa này.

e) Người đăng ký các cơ sở dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng phải là bác sĩ đã qua thực hành 5 năm liên tục về công tác phục hồi chức năng ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay các cơ sở điều dưỡng.

[...]