NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
07/2004/TT-NHNN
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2004
|
THÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 07/2004/TT-NHNN NGÀY 01
THÁNG 11 NĂM 2004 SỬA ĐỔI ĐIỂM 17.2 THÔNG TƯ 08/2001/TT-NHNN NGÀY 06 THÁNG 09
NĂM 2001 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH
16/2001/NĐ-CP NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY CHO
THUÊ TÀI CHÍNH
Ngày 06/09/2001, Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2001/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị
định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/05/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Công ty cho thuê tài chính. Nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi điểm 17.2
Thông tư số 08/2001/TT-NHNN ngày 06/09/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
như sau:
1- Thủ tục,
hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thay đổi:
1.1- Hồ sơ thay đổi tên của
Công ty cho thuê tài chính
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính đề nghị sửa đổi tên của Công ty cho thuê
tài chính. Tờ trình cần nêu rõ lý do và sự cần thiết thay đổi;
b- Biên bản và Nghị quyết Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính về việc đổi tên của Công ty cho thuê tài
chính;
c- Văn bản chấp thuận của Tổ chức
tín dụng có Công ty cho thuê tài chính trực thuộc; của các bên góp vốn trong
Công ty cho thuê tài chính liên doanh; của các bên nước ngoài trong Công ty cho
thuê tài chính 100% vốn nước ngoài.
d- Biên bản, Nghị quyết Đại hội
cổ đông đối với Công ty cho thuê tài chính cổ phần.
1.2- Hồ sơ thay đổi mức vốn
điều lệ
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ, trong đó
nêu rõ sự cần thiết, lý do thay đổi mức vốn điều lệ và biện pháp giải quyết những
tồn tại (nếu có) trước khi thay đổi;
b- Biên bản và Nghị quyết Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính về việc thay đổi mức vốn điều lệ của Công
ty cho thuê tài chính;
c- Văn bản chấp thuận thay đổi mức
vốn điều lệ của Tổ chức tín dụng có Công ty cho thuê tài chính trực thuộc; của
các bên góp vốn trong Công ty cho thuê tài chính liên doanh; bên nước ngoài
trong Công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài;
d- Báo cáo tình hình tổ chức và
hoạt động đến thời điểm gần nhất của Công ty cho thuê tài chính;
e- Ngoài những hồ sơ nêu trên,
Công ty cho thuê tài chính cổ phần phải gửi Ngân hàng Nhà nước các văn bản sau:
+ Biên bản Đại hội cổ đông về việc
thay đổi mức vốn điều lệ;
+ Phương án thay đổi mức vốn điều
lệ đã được Đại hội cổ đông thông qua;
+ Danh sách và tỷ lệ vốn cổ phần
của các cổ đông lớn trước và sau khi Công ty cho thuê tài chính thay đổi vốn điều
lệ;
+ Đơn xin mua cổ phần của các cổ
đông lớn.
1.3- Hồ sơ thay đổi địa điểm
đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc
thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, trong đó nêu
rõ lý do di chuyển địa điểm, nơi chuyển đến, tình hình an toàn tại địa điểm mới;
b- Nghị quyết Hội đồng quản trị
Công ty cho thuê tài chính cổ phần, Công ty cho thuê tài chính liên doanh, Công
ty cho thuê tài chính trực thuộc Tổ chức tín dụng có Hội đồng quản trị, Ban kiểm
soát riêng về việc thay đổi nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;
c- Văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố chấp thuận cho Công ty cho thuê tài chính được đặt trụ sở chính, chi
nhánh, văn phòng đại diện tại địa điểm mới;
Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố không có ý kiến hoặc chỉ có ý kiến sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn
bản chấp thuận việc thay đổi nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện
tại địa điểm mới thì Công ty cho thuê tài chính ghi rõ vào tờ trình của Chủ tịch
Hội đồng quản trị để Ngân hàng Nhà nước xem xét;
d- Văn bản xác nhận quyền sở hữu
hoặc quyền được phép sử dụng hợp pháp nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn
phòng đại diện mới;
e- Ý kiến của Giám đốc Ngân hàng
Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Công ty cho thuê tài chính dự định đặt trụ
sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.
1.4- Hồ sơ thay đổi nội dung,
phạm vi và thời hạn hoạt động
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính đề nghị thay đổi nội dung, phạm vi và thời
hạn hoạt động, trong đó nêu rõ lý do thay đổi, sự cần thiết thay đổi và biện
pháp giải quyết những tồn tại (nếu có) trước khi thay đổi;
b- Biên bản và Nghị quyết Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính về việc thay đổi nội dung, phạm vi và thời
hạn hoạt động;
c- Văn bản chấp thuận của Tổ chức
tín dụng có Công ty cho thuê tài chính có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
riêng; của các bên góp vốn trong Công ty cho thuê tài chính liên doanh; Bên nước
ngoài trong Công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài;
d- Báo cáo tình hình tổ chức và
hoạt động đến thời điểm gần nhất của Công ty cho thuê tài chính;
e- Biên bản, Nghị quyết Đại hội
cổ đông đối với Công ty cho thuê tài chính cổ phần.
1.5- Hồ sơ chuyển nhượng phần vốn
góp vượt tỷ lệ quy định của các bên trong Công ty cho thuê tài chính liên doanh
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị Công ty cho thuê tài chính liên doanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp
thuận việc chuyển nhượng phần vốn góp của Bên chuyển nhượng trong liên doanh
cho Bên nhận chuyển nhượng, trong đó nêu rõ lý do chuyển nhượng và biện pháp giải
quyết những tồn tại (nếu có) trước khi chuyển nhượng;
b- Biên bản họp Hội đồng quản trị
Công ty cho thuê tài chính liên doanh nhất trí về việc chuyển nhượng vốn;
c- Văn bản của Bên chuyển nhượng
gửi Ngân hàng Nhà nước thông báo việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần
vốn góp của mình trong Công ty cho thuê tài chính liên doanh;
d- Văn bản của Bên nhận chuyển
nhượng gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho phép mua lại một phần hoặc toàn bộ phần
vốn góp trong Công ty cho thuê tài chính liên doanh của Bên chuyển nhượng;
e- Trường hợp Bên nhận chuyển
nhượng không phải là các bên trong liên doanh thì tổ chức này phải bổ sung thêm
các văn bản được quy định điểm 9 Mục II Thông tư 08/2001/TT-NHNN ngày 06 tháng
09 năm 2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 05 năm
2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính.
1.6- Hồ sơ chuyển cổ phần có
ghi tên vượt tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước, thay đổi tỷ lệ cổ phần của
các cổ đông lớn trong Công ty cho thuê tài chính cổ phần
a- Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng
quản trị;
b- Đơn chuyển nhượng cổ phần của
các cổ đông (đơn của cổ đông là pháp nhân phải do người đại diện hợp pháp của
pháp nhân ký tên và đóng dấu);
c- Đơn mua cổ phần của các cổ
đông, trong đó cam kết tính hợp pháp của nguồn vốn mua cổ phần, chấp nhận thực
trạng tài chính, điều lệ của Công ty cho thuê tài chính cổ phần và tuân thủ đầy
đủ các qui định của pháp luật liên quan đến việc mua cổ phần (đơn của cổ đông
là pháp nhân phải do người đại diện hợp pháp của pháp nhân ký tên và đóng dấu);
d- Hồ sơ các cổ đông chuyển nhượng
cổ phần dưới 20% vốn điều lệ;
e- Các văn bản khác có liên quan
đến việc thay đổi, chuyển nhượng cổ phần.
1.7- Thay đổi thành viên Hội đồng
quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc): được thực hiện
theo Quy định về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng
giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng phi ngân hàng Ban hành theo Quyết định
516/2003/QĐ-NHNN ngày 26/5/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
1.8- Trình tự và thủ tục xin chấp
thuận những thay đổi của Công ty cho thuê tài chính
a- Đối với Công ty cho thuê tài
chính cổ phần:
Hồ sơ được lập thành 3 bộ gửi
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Công ty cho thuê tài chính đặt
trụ sở chính. Trong thời gian tối đa 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố phải có ý kiến bằng văn
bản về những đề nghị xin thay đổi của Công ty cho thuê tài chính và gửi cho
Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng) kèm 2 bộ hồ sơ của Công ty cho thuê tài
chính.
Đối với trường hợp tại điểm 1.6,
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh phải kiểm tra việc chuyển nhượng cổ phần trước khi
thay đổi để đảm bảo vốn cổ phần của cổ đông là hợp pháp và có văn bản chấp thuận
cho Công ty cho thuê tài chính cổ phần được chuyển nhượng cổ phần hoặc không chấp
thuận (nếu xét thấy hồ sơ không đảm bảo qui định, việc thay đổi cổ phần có nguy
cơ mất ổn định trong hoạt động Công ty Cho thuê tài chính cổ phần). Văn bản
không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
b- Đối với các Công ty cho thuê
tài chính khác:
Hồ sơ được lập thành 2 bộ gửi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Các ngân hàng). Riêng trường hợp Công ty cho
thuê tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng không có Hội đồng quản trị, Ban kiểm
soát riêng thì thay các văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho thuê
tài chính tại các điểm 1.1.a, điểm 1.2.a, điểm 1.3.a và điểm 1.4.a bằng văn bản
của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức tín dụng có Công ty cho thuê tài chính
trực thuộc.
c- Trong thời gian 15 (mười lăm)
ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước sẽ xem xét, chấp thuận những thay đổi của Công ty cho thuê tài chính. Trường
hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do
không chấp thuận.
d- Công ty cho thuê tài chính phải
gửi bản đăng ký các thay đổi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có
công chứng) và các tài liệu khác có liên quan tới Ngân hàng Nhà nước (Vụ các
Ngân hàng). Đối với Công ty cho thuê tài chính cổ phần phải gửi thêm một bộ các
văn bản nêu trên cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi Công ty
cho thuê tài chính cổ phần đặt trụ sở chính.
1.9- Trách nhiệm của các đơn vị
thuộc Ngân hàng Nhà nước:
a. Vụ Các Ngân hàng và tổ chức
tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố:
- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp
thuận đối với những thay đổi của Công ty cho thuê tài chính theo đúng trình tự
và thủ tục được quy định tại điểm 1 của Thông tư này;
- Phối hợp với các Vụ có liên
quan thuộc Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thống đốc chấp thuận đối với những
thay đổi của Công ty cho thuê tài chính.
b- Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:
- Phối hợp và cung cấp cho Vụ
Các ngân hàng về tình hình hoạt động, đề xuất các vấn đề liên quan đến thay đổi
của Công ty cho thuê tài chính;
- Tổ chức thanh tra, giám sát việc
thực hiện đối với những thay đổi của Công ty cho thuê tài chính; xử lý theo thẩm
quyền và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm
các quy định tại Thông tư này.
2. Thông tư này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
3. Chánh văn
phòng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng
các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc
(Giám đốc) các Tổ chức tín dụng có Công ty cho thuê tài chính trực thuộc, Chủ tịch
Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) các Công ty cho
thuê tài chính chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.