Thông tư 06 TC/NSNN năm 1995 hướng dẫn về Tài chính và Ngân sách trong Quyết định 829/TTg-1994 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 06TC/NSNN
Ngày ban hành 06/01/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06TC/NSNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06 TC/NSNN NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 1995  HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 829/TTG NGÀY 30/12/1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ; căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính; căn cứ vào Quyết định số 829/TTg ngày 30/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1995; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số điểm sau:

I- VỀ PHÂN BỔ VÀ GIAO NHIỆM VỤ THU, CHI NGÂN SÁCH CHO CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC.

1/ Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan phải giao kế hoạch thu cho các đơn vị trực thuộc, tối thiểu bằng số kế hoạch thu Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các địa phương và ngành. Tuỳ tình hình cụ thể của từng địa phương và từng cửa khẩu, có thể giao kế hoạch phấn đấu thu cho các đơn vị cơ sở cao hơn chỉ tiêu kế hoạch thu Thủ tướng Chính phủ giao.

2/ Các Bộ, ngành, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ và giao kế hoạch chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải phù hợp với kế hoạch chi ngân sách của Bộ, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng các tỉnh, thành phố có kế hoạch thu phấn đầu cao hơn chỉ tiêu pháp lệnh, địa phương được ưu tiên bố trí trả các khoản nợ nước ngoài (nếu có), tăng chi đầu tư phát triển và dành nguồn vốn để tăng dự trữ tài chính đối với phần thu NSĐP được hưởng theo tỷ lệ điều tiết quy định từ số thu tăng thêm.

II- VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG NĂM 1995

1/ Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương:

1.1. Nhiệm vụ chi của NSĐP năm 1995 cơ bản thực hiện như năm 1994 ( quy định tại Quyết định số 60/TTg ngày 08/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 30 TC/NSNN ngày 05/04/1994 của Bộ Tài chính).

1.2- Ngoài ra, có một số điểm bổ sung như sau:

a) NSĐP không còn nhiệm vụ chi cho Trọng tài kinh tế Nhà nước và bộ máy thống kê ở địa phương (do Trọng tài kinh tế Nhà nước các cấp đã được giải thể và hệ thống thống kê đã được tổ chức theo ngành dọc; chi cho hoạt động của Toà án kinh tế và bộ máy thống kê các cấp do NSTW đảm bảo).

b) NSTW và NSĐP không còn nhiệm vụ chi tái đầu tư cho các doanh nghiệp Nhà nước từ nguồn KHCB nộp ngân sách (do toàn bộ KHCB trích từ các TSCĐ thuộc nguồn vốn ngân sách được để lại cho các doanh nghiệp để tái đầu tư TSCĐ và đầu tư chiều sâu theo ngành).

Các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch quản lý chặt chẽ và chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc sử dụng có hiệu quả nguồn KHCB nêu trên, nắm chắc nguồn KHCB và nhu cầu tái đầu tư, đầu tư chiều sâu của từng doanh nghiệp, xét duyệt, bố trí và điều chuyển nguồn vốn KHCB để tái đầu tư theo ngành hợp lý, kiểm tra thường xuyên quá trình thực hiện tái đầu tư, đánh giá kết quả tái đầu tư...

Việc quản lý khoản đầu tư trở lại bằng nguồn vốn KHCB cho các doanh nghiệp Nhà nước sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm.

c) Đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia:

c.1- Chương trình mục tiêu: Phổ cập cấp I và xoá mù chữ, thực hiện chính sách giáo dục đối với miền núi và dân tộc, tăng cường cơ sở vật chất các trường giáo dục, phân ban trung học, bồi dưỡng giáo viên, biên soạn lại giáo trình đào tạo, nâng cấp các bệnh viện, nâng cấp các trường đào tạo (bao gồm sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị đào tạo, tin học, ngữ âm), trùng tu di tích lịch sử, đưa văn hoá thông tin về cơ sở, phát triển điện ảnh, phủ sóng phát thanh vùng núi, vùng cao biên giới, hải đảo, vùng sâu; chống ma tuý; chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn; đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao biên giới và hải đảo.

Các chương trình mục tiêu nói trên do Trung ương phân bổ kế hoạch. Đối với phần các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện, kinh phí được giao trong kế hoạch chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan; đối với phần do các địa phương thực hiện, kinh phí được tính vào ngân sách địa phương (là một nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương) và giao cho địa phương quản lý thực hiện. Các địa phương có trách nhiện phân bổ chi tiết cho từng đơn vị được giao thực hiện phù hợp với tổng thể của từng chương trình, mục tiêu đã được Trung ương thông báo, đồng thời quản lý chặt chẽ từng chương trình mục tiêu, nhằm thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả.

c.2- Các chương trình mục tiêu: Chống bệnh sốt rét, chống bệnh biếu cổ, chống bệnh phong, chống bệnh lao, chống HIV, dân số KHHGĐ, giúp trẻ em suy dinh dưỡng và gặp khó khăn, tiêm chủng mở rộng, sắp xếp lao động và giải quyết việc làm, phủ xanh đồi núi trọc (327) do các Bộ chủ quản chương trình phối hợp cùng Bộ Tài chính, UBKH Nhà nước phân bổ và thông báo cho các địa phương biết để phối hợp quản lý. Ngân sách Trung ương trực tiếp cấp phát kinh phí của chương trình do các cơ quan Trung ương thực hiện và cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá, thành phố. Riêng chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chương trình sắp xếp lao động và giải quyết việc làm tiếp tục thực hiện phương thức cấp phát cho vay qua UBNN như năm 1994.

2/ Phân định nguồn thu giữa NSTW và NSĐP:

Các khoản thu để lại cho NSĐP thực hiện như năm 1994; ngoài ra có sửa đổi, bổ sung một số điểm sau:

- Thu tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do địa phương quản lý (kể cả tiền thu cấp quyền sử dụng đất đi theo nhà đó) để lại cho ngân sách địa phương 100% để đầu tư phát triển quỹ nhà ở.

- Thu về cấp quyền sử dụng đất để lại cho NSĐP 70% để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Thu về thuế chuyển quyền sử dụng đất để lại cho NSĐP 50%.

- Thuế thu nhập dân cư để lại cho NSĐP 100% (trừ thuế thu nhập từ công nhân viên thuộc các công ty dầu khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Thuế tài nguyên để lại cho NSĐP 100% (trừ thuế tài nguyên nước thuỷ điện Hoà Bình).

- Thuế xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền: các tỉnh Hà Tĩnh, Lào Cai, Long An, Cao Bằng, Thanh Hoá, Hà Giang, Nghệ An, Đắc Lắc, Tây Ninh, Kiên Giang, Sông Bé, Đồng Tháp, Gia Lai, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, để lại cho NSĐP 50%, tỉnh Lạng Sơn để lại NSĐP 35%, tỉnh Quảng Ninh để lại NSĐP 30%.

- Thuế lợi tức (trừ thuế lợi tức của các đơn vị Trung ương thuộc ngành dọc hạch toán toàn ngành) là khoản thu điều tiết.

- Thu phí giao thông nộp vào NSTW 100% (do thực hiện thu phí giao thông qua giá xăng dầu chỉ phát sinh và nộp ở một số tỉnh, thành phố).

[...]