Thông tư 06/2019/TT-BNNPTNT quy định về hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã nông nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với hợp tác xã nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 06/2019/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 19/07/2019
Ngày có hiệu lực 03/09/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2019/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG ĐẶC THÙ, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÁC CẤP ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã nông nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với hợp tác xã nông nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp (thủy sản), diêm nghiệp, thủy lợi, nước sạch nông thôn (sau đây gọi chung là hợp tác xã nông nghiệp) và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành nông nghiệp (tỉnh, huyện, xã) đối với hợp tác xã nông nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hợp tác xã nông nghiệp quy định tại Điều 1 Thông tư này.

2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp

1. Hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp quy định tại Thông tư này là những hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp; đại diện ký kết hợp đồng liên kết; tham gia cung cấp dịch vụ công ích do hợp tác xã nông nghiệp thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các thành viên và khách hàng không phải là thành viên hợp tác xã.

Căn cứ năng lực, điều kiện thực tế của hợp tác xã và nhu cầu của thị trường, hợp tác xã nông nghiệp lựa chọn và thực hiện các hoạt động đặc thù quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Tổ chức sản xuất và cung ứng tập trung các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của thành viên và khách hàng không phải thành viên hợp tác xã:

a) Đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý hợp tác xã và khuyến nông, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật;

b) Sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp khác); cung ứng dịch vụ (làm đất, thủy lợi, nước sạch nông thôn, bảo vệ thực vật, thú y, bảo vệ sản xuất);

c) Gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

d) Tổ chức thực hiện và quản lý thống nhất quy trình sản xuất nông nghiệp đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm;

đ) Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp;

e) Tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm nông nghiệp;

g) Tổ chức các hoạt động mua chung, bán chung các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp;

h) Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

3. Đại diện ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện liên kết với doanh nghiệp, các đối tác khác trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên và khách hàng không phải là thành viên hợp tác xã với các hoạt động cụ thể như:

a) Ký và tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

b) Tổ chức quảng bá hoặc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp;

c) Tổ chức nghiên cứu thị trường, tiếp thị đối với các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp;

d) Thực hiện các dịch vụ khác trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

[...]