Thông tư 06/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 06/2013/TT-BYT
Ngày ban hành 08/02/2013
Ngày có hiệu lực 01/04/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2013/TT-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM QUẢN LÝ GIÁ THUỐC BẰNG PHƯƠNG PHÁP THẶNG SỐ BÁN BUÔN TỐI ĐA TOÀN CHẶNG ĐỐI VỚI CÁC THUỐC DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ BẢO HIỂM Y TẾ CHI TRẢ

Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại công văn số 1758/VPCP-KGVX ngày 19 tháng 3 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý cho phép triển khai áp dụng thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo đề nghị của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý dược,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các thuốc do ngân sách nhà nước và Bảo hiểm y tế chi trả theo danh mục các mặt hàng áp dụng thí điểm quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được phép hoạt động sản xuất, nhập khẩu, bán buôn thuốc; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, các Sở Y tế có tổ chức đấu thầu tập trung áp dụng thí điểm; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác đấu thầu mua thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước áp dụng thí điểm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1.   Giá nhập khẩu là giá đã bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất khẩu, chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam (gọi tắt là giá CIF) và không bao gồm thuế nhập khẩu (nếu có).

2.   Giá thành của thuốc sản xuất trong nước là giá thành toàn bộ xác định theo Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2010 của Bộ Tài chính, tính bằng chi phí nguyên liệu, nhiên liệu trực tiếp cộng (+) chi phí nhân công trực tiếp cộng (+) chi phí sản xuất chung cộng (+) chi phí tài chính (trả lãi vay nếu có) cộng (+) chi phí quản lý quản lý doanh nghiệp cộng (+) chi phí bán hàng trừ (-) chi phí phân bổ cho sản phẩm phụ (nếu có).

3.   Giá trị gốc của thuốc để tính thặng số bán buôn tối đa toàn chặng: đối với thuốc nhập khẩu, là giá CIF thực tế tính theo Đồng Việt Nam; đối với thuốc sản xuất trong nước, là giá thành do cở sở sản xuất trong nước hoặc cơ sở đặt gia công kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực cộng thêm (+) 20% của giá thành.

4.   Thặng số bán buôn tối đa toàn chặng là quy định về mức chênh lệch tối đa được phép của giá bán buôn thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước so với giá trị gốc của thuốc.

5.   Tỷ giá ngoại tệ áp dụng để tính giá CIF theo Đồng Việt Nam là tỷ giá ngoại tệ thực tế bán ra của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam tại thời điểm mở thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế có tổ chức đấu thầu tập trung áp dụng thí điểm.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguyên tắc lựa chọn và danh sách các mặt hàng được áp dụng thí điểm

1. Mặt hàng chứa các hoạt chất được áp dụng thí điểm phải đáp ứng các nguyên tắc sau đây:

a) Có giá trị sử dụng lớn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Trúng thầu cung ứng ở nhiều bệnh viện;

c) Có giá chênh lệch nhiều giữa các mặt hàng cùng hoạt chất, cùng nồng độ hoặc hàm lượng, cùng dạng bào chế;

d) Nhiều mặt hàng chứa hoạt chất này có tỷ lệ chênh lệch cao giữa giá bán với giá gốc (giá thành và giá CIF).

[...]