Thông tư 06/2001/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 78/2000/NĐ-CP về phí xăng dầu do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 06/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 17/01/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2001/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 1 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 78/2000/NĐ-CP NGÀY 26/12//2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÍ XĂNG DẦU

Căn cứ Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ về phí xăng dầu;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng chịu phí xăng dầu:

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 78/2000/NĐ-CP ngày 26/12/2000 của Chính phủ thì đối tượng chịu phí xăng dầu là xăng, dầu, mỡ nhờn (gọi chung là xăng dầu) xuất, bán tại Việt Nam, bao gồm:

a) Xăng, gồm xăng ôtô, xăng dung môi (xăng công nghiệp), xăng máy bay và các loại xăng khác.

b) Dầu, gồm dầu diezen, dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn và các loại dầu khác (trừ dầu thực phẩm).

c) Mỡ nhờn.

2. Đối tượng nộp phí xăng dầu là các tổ chức, cá nhân nhập khẩu (kể các nhập khẩu uỷ thác), sản xuất, chế biến các loại xăng dầu quy định tại điểm 1 mục này xuất, bán xăng dầu tại Việt Nam, bao gồm:

a) Tổ chức trực tiếp nhập khẩu xăng dầu.

b) Tổ chức nhận uỷ thác nhập khẩu xăng dầu, không phân biệt hình thức nhận uỷ thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho tổ chức đi uỷ thác hay nhận uỷ thác nhập khẩu đồng thời nhận uỷ thác xuất, bán đều là đối tượng trực tiếp kê khai, nộp phí xăng dầu.

c) Tổ chức, cá nhân sản xuất nhận gia công đồng thời nhận uỷ thác bán xăng dầu, chế biến xăng dầu. Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận uỷ thác bán hàng thì tổ chức, cá nhân giao gia công là đối tượng nộp phí xăng dầu khi xuất, bán xăng dầu tại Việt Nam.

3. Đối tượng không phải chịu phí xăng dầu là xăng dầu xuất khẩu, bao gồm:

a) Xăng dầu xuất khẩu, bao gồm xuất ra nước ngoài, xuất vào khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu xăng dầu nêu tại điểm này phải có các hồ sơ, chứng từ chứng minh là xăng dầu thực tế xuất khẩu như sau:

- Hợp đồng xuất khẩu xăng dầu. Trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì còn phải có hợp đồng uỷ thác xuất khẩu xăng dầu.

- Hoá đơn bán hàng cho nước ngoài, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

- Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, có thanh khoản và xã nhận thực xuất khẩu của cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu.

b) Xăng dầu tạm nhập - tái xuất; Xăng dầu tạm xuất - tái nhập. Tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu theo hình thức nêu tại điểm này phải có hồ sơ, chứng từ sau đây:

- Hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Thương mại (hoặc cơ quan được uỷ quyền) cấp, trong đó ghi rõ hàng tạm nhập - tái xuất, hàng tạm xuất - tái nhập.

- Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu và xuất khẩu có thanh khoán và xác nhận thực nhập, thực xuất của cơ quan hải quan về số lượng và chủng loại hàng hoá xuất, nhập khẩu.

- Hợp đồng mua bán ngoại thương ký với người bán và người mua.

Đối với trường hợp xuất, nhập khẩu uỷ thác thì còn phải có hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác). Trường hợp này, nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân phải đăng ký, kê khai, nộp phí xăng dầu với Cục Thuế địa phương nơi đóng trụ sở chính.

II- MỨC THU VÀ CĂN CỨ THU PHÍ XĂNG DẦU:

1. Phí xăng dầu chỉ thu một lần khi xuất, bán lượng xăng dầu nhập khẩu (kể cả lượng xăng dầu nhập uỷ thác), sản xuất, chế biến (bao gồm cả xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hoá khác, xuất trả hàng nhập uỷ thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác), với mức thu quy định như sau:

a) Xăng các loại, bao gồm xăng ôtô, xăng máy bay, xăng công nghiệp và các loại xăng khác: 500 đồng/lít (năm trăm đồng/lít).

b) Dầu diezen: 300 đồng/lít (ba trăm đồng/lít).

c) Dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờm, mỡ nhờn và các loại dầu khác (trừ xăng, dầu diezen quy định tại tiết a, b điểm này) chưa thu.

[...]