Thông tư 05/TM-QLTT-1996 hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 01/CP-1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do Bộ Thương mại ban hành

Số hiệu 05/TM-QLTT
Ngày ban hành 08/03/1996
Ngày có hiệu lực 23/03/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Trương Đình Tuyển
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Vi phạm hành chính

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/TM-QLTT

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 05/TM-QLTT NGÀY 08-3-1996 HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 01/CP NGÀY 03-01-1996 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

Ngày 03-1-1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995. Bộ Thương mại hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Nghị định số 01/CP như sau:

I. VỀ PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Căn cứ vào tính chất, nội dung và đối tượng xử phạt vi phạm hành chính được Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định, Điều 1 Nghị định số 01/CP đã xác định cụ thể phạm vi và đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Những điểm cần chú ý khi áp dụng:

1. Hành vi bị xử phạt hành chính phải là hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại. Các quy định này đã được chế định trong các văn bản pháp luật có liên quan do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định đó thì mới bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 01/CP.

2. Các hành vi vi phạm nếu có dấu hiệu tội phạm thì không xử phạt hành chính theo Nghị định này, mà phải lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền điều tra hình sự để xem xét giải quyết. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hình chính cần căn cứ vào Thông tư số 11-TT/LB ngày 20-11-1990 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xử lý một số loại tội phạm, Thông tư số 01-TT/LB ngày 25-1-1996 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ về việc xử lý hình sự các vi phạm Chỉ thị 406-TTg đề xem xét hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm có một trong các dấu hiệu như: trị giá tiền, hàng vi phạm lớn, tính chất phức tạp, tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan xử phạt phải trao đổi ý kiến với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để quyết định việc xử lý vi phạm được đúng đắn.

Những vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại có quyết định đình chỉ điều tra hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự thì xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 01/CP.

3. Các vi phạn hành chính bị xử phạt theo Nghị định số 01/CP bao gồm 4 loại vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định. Các vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực thương mại hoặc liên quan đến hoạt động thương mại mà Nghị định số 01/CP không quy định như: vi phạm về sản xuất hoặc buôn bán hàng giả; vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường hàng hoá; vi phạm về vệ sinh phòng bệnh; vi phạm về biển hiệu, quảng cáo thương mại; vi phạm về sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ trong mua bán, vận chuyển hàng hoá; vi phạm thủ tục hải quan khi xuất, nhập khẩu hàng hoá; hành vi trốn thuế, lậu thuế... thì xử phạt hành chính theo các Nghị định hoặc quy định khác của Chính phủ.

4. Trường hợp các Luật có quy định khác thì việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng theo quy định của Luật, không xử phạt theo Nghị định này.

5. Đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 01/CP quy định là các tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm, không phân biệt là người kinh doanh hay không phải là người kinh doanh, không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài. Cụ thể bao gồm:

- Các tổ chức và cá nhân Việt Nam, kể các các doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Các văn phòng đại diện, chi nhánh văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (nếu vi phạm quy định về đặt và hoạt động văn phòng, chi nhánh văn phòng đại diện thì xử phạt theo quy định của Nghị định số 82/CP ngày 2-8-1994 của Chính phủ, nếu có các vi phạm khác trong lĩnh vực thương mại thì xử phạt theo Nghị định số 01/CP).

- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài: Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, cán bộ và nhân viên của các cơ quan nói trên, người nước ngoài nhập cảnh cư trú, công tác hoặc tham quan du lịch tại Việt Nam. Trường hợp Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao có quy định khác thì không xử phạt hành chính theo Nghị định số 01/CP.

II. VỀ NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Điều 2 Nghị định số 01/CP. Khi áp dụng các nguyên tắc này cần chú ý.

1. Chỉ những người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại mới được quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 01/CP. Các cơ quan Nhà nước khác nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại để tiến hành xử lý vi phạm.

2. Mọi hành vi vi phạm khi phát hiện được phải đình chỉ ngay vi phạm, lập biên bản theo đúng thủ tục và quyết định xử phạt kịp thời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản. Nếu vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp cần có thời gian thẩm tra, xác minh thời hạn xử lý không quá 30 ngày, nhưng phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp và thông báo cho đương sự biết.

3. Việc xử phạt theo quy định ở Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/CP như sau:

- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ xử phạt một lần bằng một quyết định xử phạt.

- Một người cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì người đó bị xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm theo hình thức, mức phạt đã được quy định đối với từng hành vi. Nếu các hành vi vi phạm này đều thuộc thẩm quyền xử lý của một người có thẩm quyềm xử phạt thì chỉ ra một quyết định xử phạt. Nếu một trong các hành vi vi phạm (cùng lĩnh vực thương mại) nói trên, xét thấy không thuộc thẩm quyền xử lý của cấp mình, thì người xử phạt phải chuyển toàn bộ các vi phạm này đến cơ quan có thẩm quyền cấp trên để xử lý.

Quyết định xử phạt đối với người có nhiều hành vi vi phạm hành chính phải ghi rõ từng hành vi vi phạm bị xử phạt, hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi. Nếu phạt tiền thì cộng các mức phạt tiền của từng hành vi vi phạm thành mức phạt tiền chung của quyết định xử phạt để người vi phạm thi hành. Mức phạt tiền chung này không phải là căn cứ để xác định thẩm quyền phạt tiền của từng cấp, mà căn cứ vào mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm để xác định thẩm quyền của người xử phạt.

- Nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt như sau:

+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện một vi phạm mà trong đó có sự liên quan chặt chẽ với nhau thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm đó. Người có thẩm quyềm xử phạt chỉ ra một quyết định xử phạt chung, nhưng ghi rõ tên, địa chỉ từng đối tượng bị xử phạt. Nếu phạt tiền thì mức phạt chung không được vượt quá khung phạt tiền đã được quy định trong từng điều khoản của Nghị định số 01/CP đối với hành vi vi phạm đó.

+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng có một hành vi vi phạm hành chính trong một vụ việc nhưng giữa họ không có sự liên quan với nhau trong việc thực hiện vi phạm thì mỗi tổ chức, cá nhân đều bị xử phạt bằng các quyết định xử phạt riêng. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của từng đối tượng vi phạm mà quyết định hình thức, mức xử phạt theo quy định tại từng điều khoản của Nghị định số 01/CP đối với hành vi vi phạm của người đó.

- Người xử phạt không được chia một vi phạm thành nhiều vi phạm nhỏ để xử phạt nhiều lần cho phù hợp với thẩm quyền xử phạt của cấp mình.

4. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định tại các Điều 7 và 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trong lĩnh vực thương mại như sau:

a. Về tình tiết giảm nhẹ:

[...]