Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 05-BLĐ/TT năm 1961 về đảm bảo an toàn lao động trong việc khai thác đá do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 05-BLĐ/TT
Ngày ban hành 13/02/1961
Ngày có hiệu lực 28/02/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-BLĐ/TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 2 năm 1961

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG SỐ 05-BLĐ/TT NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 1961 VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VIỆC KHAI THÁC ĐÁ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

 

Các Bộ,
Các Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy sản và Địa chất,
Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh,
Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

Hiện nay do nhu cầu về đá trong sản xuất và xây dựng ngày càng tăng, nên các cơ sở sản xuất đã phát triển mạnh. Bên cạnh những công trường đá của các ngành đã có từ trước và đang được mở rộng, các công ty vật liệu xây dựng, Ty Công nghiệp địa phương, Cục Doanh trại, v.v... cũng đã thành lập thêm nhiều cơ sở sản xuất mới.

Một số cơ sở nói trên, nhất là những công trường mới mở thường áp dụng lối khoán trắng việc khai thác đá cho các tổ sản xuất mà không phụ trách việc bảo đảm an toàn lao động (công trường bán thẳng kíp và thuốc nổ cho công nhân rồi thu mua đá, không quản lý chặt chẽ việc sử dụng kíp và thuốc nổ, không hướng dẫn về kỹ thuật khai thác và phương pháp làm việc an toàn). Mặt khác, công nhân làm đá, trừ một số do công trường tuyển từ những vùng chuyên nghề làm đá, đã thành thạo trong việc khai thác đá, còn phần lớn là nông dân ở địa phương chỉ ra công trường làm đá trong thời gian rỗi việc, đến mùa trở về làm ruộng, nên ít người am hiểu kỹ thuật khai thác.

Các xí nghiệp đá cũ thì có nơi đã xây dựng được những quy tắc về phá đá, bắn mìn, đã có nội quy cho từng nghề, từng việc, đã sắm được một số trang bị bảo hộ lao động, nhưng việc tuyên truyền và giáo dục cho công nhân về ý thức bảo hộ lao động và về kỹ thuật sản xuất chưa làm được đến nơi đến chốn, việc kiểm tra đôn đốc để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng những điều đã quy định, cũng chưa được chú ý đúng mức. Do đó hiện nay công nhân trên hầu hết các công trường khai thác đá có những việc làm vi phạm rất nghiêm trọng kỹ thuật khai thác và nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, như dùng răng thay kìm để gắn kíp vào với ngòi mìn, lấy que sắt moi kíp và thuốc nổ ở những quả mìn câm, đặt ngòi mìn quá ngắn, đứng phía dưới dùng xà beng cậy đá ở phía trên, không mang dây an toàn khi leo lên núi cao bẩy đá, không cậy kỹ đá sau khi nổ mìn để tránh đá rơi xuống bất thình lình khi công nhân đang làm việc phía dưới, .v.v...

Vì vậy, tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị thương nặng trên các công trường đá từ đầu năm 1960 tới nay đã xảy ra nhiều lần.

Để khắc phục những thiếu sót trên nhằm hạn chế, tiến tới tiêu diệt tai nạn lao động, bảo vệ tính mạng cho nhân dân và công nhân trên các công trường đá, tạo điều kiện cho việc khai thác đá được đẩy mạnh hơn nữa, Bộ Lao động thấy cần phải thi hành ngay một số biện pháp cấp thiết dưới đây:

1. Tất cả các công trường khai thác đá kể cả các công trường tổ chức giao khoán cho nhân dân, đều phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo hộ lao động và huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho công nhân và nhân dân làm đá.

Tuyên truyền giáo dục ý thức đề phòng tai nạn lao động là một công tác rất quan trọng, các công trường cần chú ý làm thật tốt công tác này để cho mọi người thực sự thấm nhuần, thấy rõ trách nhiệm của mình mà tự nguyện tự giác chấp hành những điều đã quy định. Trước khi đi vào sản suất mỗi công trường phải tổ chức để toàn thể cán bộ và công nhân (kể cả nhân dân địa phương đến làm khoán) học tập về trách nhiệm bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn đối với việc khai thác đá. Những anh chị em tới công trường sau, nhất thiết cũng phải học tập như trên, rồi mới được ra sản xuất. Đặc biệt đối với các công nhân bắn mìn thì sau khi học tập về kỹ thuật sử dụng thuốc nổ phải có sát hạch và chỉ sau khi đã được chứng nhận là có đủ khả năng làm việc trên mới được giao việc.

Ở những công trường đang khai thác, nếu chưa thực hiện những việc nói trên thì phải tổ chức thực hiện ngay.

2. Phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những điều quy định về bảo hộ lao động và an toàn kỹ thuật.

Có tổ chức được việc tuyên truyền và giáo dục cho công nhân, nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thì chỉ sau một thời gian ngắn, việc chạy theo năng suất một cách đơn thuần sẽ lại đưa công nhân đế chỗ vi phạm những điều đã quy định, gây ra những tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, mỗi công trường phải quy định rõ trách nhiệm cho tất cả cán bộ hướng dẫn sản xuất: tổ trưởng, trưởng kíp, trưởng ca,... phải thường xuyên kiểm tra về an toàn lao động trong bộ phận mình phụ trách và mỗi khi tổ chức cho công nhân hay cán bộ kiểm điểm về sản xuất phải kiểm điểm về thực hiện quy tắc an toàn. Những người đã được nhắc nhở nhiều lần mà còn vi phạm quy tắc an toàn, thì công trường phải có thái độ kiên quyết, thi hành kỷ luật để làm gương cho người khác.

Ngoài ra mỗi công trường phải bố trí cán bộ để chuyên lo về bảo hộ lao động và thường xuyên kiểm tra trong toàn công trường; không nên giao cho cán bộ làm việc kiêm nhiệm để tránh tình trạng vì nhiều việc mà không chú trọng tới việc bảo đảm an toàn lao động.

3. Công trường sản xuất đá phải chỉ đạo việc khai thác, phải tổ chức đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, không được giao khoán trắng cho công nhân rồi thu mua đá mà không chăm lo tới bảo hộ lao động.

Khai thác đá là một công việc nặng nhọc, có phần nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ về mặt tổ chức và về mặt kỹ thuật. Các công trường không thể giao khoán trắng việc khai thác đã cho công nhân, cho các tổ sản xuất, mà không quản lý việc bảo đảm an toàn lao động, vì như vậy chẳng những sẽ không bảo vệ được sức khoẻ và tính mạng cho công nhân mà còn làm trở ngại lớn cho việc sản xuất có kế hoạch.

Để chấp hành nghiêm chỉnh chính sách bảo hộ lao động của Đảng và Chính phủ, từ nay trở đi các công trường sản xuất đá nhất thiết phải trực tiếp tổ chức và lãnh đạo việc khai thác. Đối với công nhân làm đá, bất luận là ở trong hay ngoài biên chế, tạm tuyển, hợp đồng, hoặc nhân công làm khoán ở địa phương, công trường cũng đều có trách nhiệm phải bảo đảm về mặt an toàn lao động.

Ngoài việc tuyên truyền giáo dục cho anh chị em về ý thức bảo hộ lao động, hướng dẫn cho anh chị em thực hiện đúng an toàn kỹ thuật trong việc khai thác đá, công trường cần bố trí để nơi làm việc của anh chị em có đủ những điều kiện tối thiểu về vệ sinh và an toàn lao động như: Bố trí công việc để có khoảng cách đủ xa giữa bộ phận cậy đá và bộ phận đập đá, có chỗ để tạm trú khi mưa to hoặc để nghỉ giải lao những hôm trời nắng, có đủ nước chín để uống, có đủ số cầu tiêu hố tiểu cần thiết và nhất là phải có y tá thường trực và một số thuốc men dụng cụ y tế cần thiết để kịp thời cứu chữa cho công nhân khi xảy ra tai nạn.

Công trường phải cung cấp cho công nhân làm đá kể cả công nhân làm khoán tuỳ theo điều kiện làm việc của từng nghề, những trang bị bảo hộ lao động cần thiết, công trường không được tính gộp cả khoản này vào tiền công hay giá khoán.

Dụng cụ làm việc của công nhân cũng có liên quan nhiều tới công tác bảo hộ lao động. Tại một số công trường, công nhân phải dùng nêm, sà beng, búa tạ và choòng loại xấu để làm việc, nên phải bỏ ra nhiều sức lao động, nhưng vẫn không đưa được năng suất lên cao. Những dụng cụ đó thường hay bị toét, vỡ làm mảnh sắt bắn vào người, vào mặt, rất nguy hiểm. Để tạo điều kiện nâng cao năng suất và bảo đảm an toàn lao động, công trường cần nghiên cứu cách cung cấp dụng cụ đúng quy cách cho công nhân thích hợp với tình hình tổ chức sản xuất của đơn vị. Còn đối với những người đã sẵn có dụng cụ bảo đảm phẩm chất thì công trường có thể khuyến khích họ mang đúng những thứ đó bằng cách trả tiền hao mòn dụng cụ hợp lý như các công trường vẫn làm.

Đối với những anh chị em được tuyển từ xa tới cần phải ở tập trung tại nơi làm việc, công trường phải bố trí đủ chỗ ăn, ở hợp vệ sinh.

4. Phải bảo quản chu đáo thuốc nổ và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng:

Các công trường làm đá thường phải sử dụng một khối lượng thuốc nổ, ngòi mìn và kíp tương đối lớn. Các thứ trên nếu không được bảo quản chu đáo thì có thể gây ra những tai nạn và thiệt hại lớn, vì vậy mỗi công trường cần phải có kho riêng biệt, đúng quy cách, để chứa kíp, thuốc nổ và ngòi mìn. Cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn việc khai thác phải theo dõi và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng các thứ trên. Để tránh tình trạng công nhân vì muốn đỡ tiền mua ngòi mìn, thuốc và kíp nổ, đã nạp mìn không đúng quy cách; đặt ngòi mìn quá ngắn, dùng kíp giả để thay kíp thật, v.v... hoặc đã mang dùng những thứ trên vào những việc không chính đáng. Các công trường tuyệt đối không được bán kíp, ngòi mìn và thuốc nổ cho công nhân. Hàng ngày cần dùng bao nhiêu mìn, công trường sẽ cấp phát bấy nhiêu; việc cấp phát phải có sổ sách để ghi chép rõ ràng. Sau mỗi ngày, nếu không dùng hết, phải trả lại những thứ còn thừa cho công trường, không được tự tiện mang thuốc nổ, kíp và ngòi mìn ra khỏi phạm vi công trường và mang về phòng hoặc nhà ngủ riêng.

5. Khai báo khi mở công trường khai thác đá:

Trước đây, khi mở công trường khai thác đá, các cơ quan quản lý công trường thường không báo cho cơ quan lao động địa phương biết, do đó đã không tranh thủ kịp thời được sự giúp đỡ của cơ quan này để nắm vững luật lệ lao động và vì vậy đã có nhiều thiếu sót trong việc chấp hành chính sách lao động.

Để tránh có những thiếu sót như trên, từ nay mỗi khi mở công trường, cơ quan quản lý công trường phải báo cáo ngay cho cơ quan lao động địa phương biết.

Cùng với thông tư này, Bộ Lao động gửi tới các ngành bản "Quy tắc an toàn kỹ thuật về làm đá" của Bộ Công nghiệp để các ngành dùng làm tài liệu hướng dẫn cho công nhân học tập. Sau khi rút được kinh nghiệm của việc áp dụng bản quy tắc trên, Bộ Lao động sẽ cùng với các ngành có trách nhiệm nghiên cứu và ban hành bản quy tắc chính thức về an toàn lao động trên các công trường khai thác đá.

[...]