Thông tư 05/2012/TT-BGTVT quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 05/2012/TT-BGTVT
Ngày ban hành 06/03/2012
Ngày có hiệu lực 20/04/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên 78 sửa đổi 2010 mà Việt Nam là thành viên;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, áp dụng cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Thời giờ làm việc” là khoảng thời gian thuyền viên phải thực hiện nhiệm vụ của mình trên tàu.

2. “Thời giờ nghỉ ngơi” là khoảng thời gian ngoài thời giờ làm việc trên tàu; thuật ngữ này không bao gồm các khoảng thời gian nghỉ giải lao.

Chương 2.

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM

Điều 3. Thời giờ làm việc

1. Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam theo ca và được duy trì 24 giờ liên tục trong ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ.

2. Thời giờ làm việc tối đa:

a) 14 giờ làm việc trong 24 giờ liên tục;

b) 72 giờ làm việc trong 7 ngày liên tục.

3. Trường hợp khẩn cấp liên quan đến an ninh, an toàn của tàu, của những người trên tàu, hàng hóa, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên thực hiện giờ làm việc bất kỳ thời gian nào cần thiết. Ngay sau khi thực hiện xong nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp và khi tình hình trở lại bình thường, thuyền trưởng phải bảo đảm mọi thuyền viên đã thực hiện xong nhiệm vụ này trong thời giờ được phép nghỉ ngơi của họ được hưởng đủ thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

4. Thời giờ làm việc của thuyền viên ở trên tàu phải lập thành bảng theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Bảng ghi thời giờ làm việc của thuyền viên ở trên tàu phải được lập bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh và thông báo tại nơi dễ thấy. Thuyền viên phải được phát bản sao bảng ghi thời giờ làm việc của họ và có chữ ký của thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền kiểm soát và chữ ký của thuyền viên.

Điều 4. Thời giờ nghỉ ngơi

1. Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu:

a) 10 giờ nghỉ ngơi trong 24 giờ liên tục;

[...]