Thông tư 05/2004/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 159/2003/NĐ-CP về cung ứng và sử dụng séc do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 05/2004/TT-NHNN
Ngày ban hành 15/09/2004
Ngày có hiệu lực 13/10/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Phùng Khắc Kế
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 05/2004/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2004

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 159/2003/NĐ-CP NGÀY 10/12/2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG SÉC

Căn cứ Khoản 1, Điều 50 của Nghị định số 159/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ về Cung ứng và sử dụng séc (sau đây gọi tắt là Nghị định), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung tại Nghị định như sau:

Chương1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung ứng và sử dụng séc, bao gồm: cung ứng, ký phát, chuyển nhượng, bảo lãnh, thanh toán, truy đòi đối với séc do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cung ứng và về thủ tục cung ứng, kiểm soát, luân chuyển, xử lý chứng từ và hạch toán kế toán liên quan đến việc thanh toán séc qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

1.1. Phạm vi áp dụng:

Séc do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cung ứng và được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Đối tượng điều chỉnh:

1.2.1. Các tổ chức cung ứng séc và tham gia vào quá trình thanh toán, thu hộ séc, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước; ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác; Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương; tổ chức tín dụng không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép cung ứng, thanh toán, thu hộ séc; tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép cung ứng, thanh toán hoặc thu hộ séc.

1.2.2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng séc và liên quan đến việc sử dụng séc, bao gồm: người ký phát, người được trả tiền, người chuyển nhượng, người được chuyển nhượng, người bảo lãnh, người được bảo lãnh, người thụ hưởng, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền và những người khác có liên quan đến sử dụng séc.

2. Ký phát, thanh toán séc ghi số tiền bằng ngoại tệ

2.1. Trong trường hợp người ký phát được sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ theo quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, người đó được ký phát séc bằng ngoại tệ trên tài khoản thanh toán của mình để trả cho người được trả tiền là đối tượng được phép thu ngoại tệ.

2.2. Để được thanh toán bằng ngoại tệ, người thụ hưởng số tiền ghi trên séc có trách nhiệm chứng minh mình thuộc đối tượng được phép thu ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Việc thanh toán tờ séc đó được thực hiện như sau:

2.2.1. Nếu người thụ hưởng chứng minh mình thuộc đối tượng được phép thu ngoại tệ, thì chi trả số tiền trên séc cho người thụ hưởng bằng loại ngoại tệ ghi trên séc;

2.2.2. Nếu người thụ hưởng không chứng minh được mình thuộc đối tượng được phép thu ngoại tệ, thì số tiền ghi trên séc phải được quy đổi thành tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ mua chuyển khoản do người thực hiện thanh toán công bố ở thời điểm thanh toán tờ séc đó để trả cho người thụ hưởng.

2.3. Trường hợp tờ séc ký phát bằng ngoại tệ được chuyển nhượng cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đồng tiền thanh toán và tỷ giá thanh toán do người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng thoả thuận. Nếu thanh toán bằng ngoại tệ, thì người được trả ngoại tệ phải thuộc đối tượng được phép thu ngoại tệ theo quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

3. Nghĩa vụ của người ký phát

Nghĩa vụ của người ký phát bao gồm:

3.1. Bảo đảm có khoản tiền được sử dụng tại người thực hiện thanh toán để chi trả toàn bộ số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng tại thời điểm séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình. Khoản tiền được sử dụng có thể là số dư trên tài khoản thanh toán mà người ký phát có quyền sử dụng; hoặc số dư trên tài khoản thanh toán cộng với hạn mức thấu chi mà người ký phát được phép sử dụng theo thoả thuận với người thực hiện thanh toán.

3.2. Điền đầy đủ các nội dung của tờ séc theo quy định tại Điểm 15, Chương III của Thông tư này. Trường hợp tờ séc được lập không đúng quy định do lỗi của người ký phát khiến người thụ hưởng bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký phát lập tờ séc khác thay thế. Người ký phát có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu này của người thụ hưởng ngay trong ngày được yêu cầu hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày được yêu cầu đó.

3.3. Trường hợp tờ séc bị từ chối thanh toán do séc đó không đủ khả năng thanh toán hoặc do lỗi của người ký phát séc, người ký phát phải hoàn trả không điều kiện số tiền bị truy đòi trên séc theo quy định ở Điều 41 của Nghị định. Việc hoàn trả số tiền này thực hiện bằng phương tiện thanh toán theo yêu cầu của người truy đòi và phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Chấp nhận séc trong thanh toán

Việc chấp nhận séc trong thanh toán do các người ký phát hoặc người chuyển nhượng (bên trả séc) và người được trả tiền hoặc người được chuyển nhượng (bên nhận séc) thoả thuận.

Trong thanh toán, bên nhận séc có quyền yêu cầu bên trả séc xuất trình giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu, giấy chứng minh quân nhân, công nhân và nhân viên quốc phòng hoặc giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh và đóng dấu giáp lai), cung cấp địa chỉ hoặc những thông tin liên quan khác nếu thấy cần thiết. Bên nhận séc có quyền từ chối nhận séc nếu những yêu cầu của mình không được bên trả séc đáp ứng.

Chương 2:

CUNG ỨNG SÉC

[...]