BỘ
THUỶ SẢN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/1998/TT-BTS
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1998
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 05/1998/TT-BTS NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/1998/NĐ-CP NGÀY 15/9/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO
AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN NGHỀ CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN
Căn cứ Nghị định số
72/1998/NĐ-CP ngày 15/9/1998 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và
phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; sau khi trao đổi với các Bộ, ngành và
Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn một số điểm cụ thể
như sau:
I - GIẢI
THÍCH THUẬT NGỮ:
Một số thuật ngữ trong Nghị định
được hiểu như sau:
1. Vùng biên xa bờ: là vùng biển
được giới hạn bởi đường đẳng sâu từ 30 mét nước trở ra đối với vùng biển Vịnh Bắc
bộ, vùng biển Đông - Tây Nam bộ, vịnh Thái Lan và đường đẳng sâu từ 50 mét nước
trở ra đối với vùng biển Trung bộ.
2. Vùng biển ven bờ: là vùng biển
được giới hạn bởi đường đẳng sâu từ 30 mét và 50 mét nước trở vào bờ cho các
vùng đã nêu trên.
3. Phương tiện đánh bắt Hải sản
xa bờ: là các tàu thuyền nghề cá có lắp máy công suất từ 90 mã lực trở lên và
hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ.
II- ĐIỀU KIỆN
ĐỐI VỚI NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN NGHỀ CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI
LÀM NGHỀ CÁ:
1. Các giấy tờ
cần có: Để được hoạt động trên biển, phương tiện nghề cá phải có đủ các giấy tờ
quy định tại điều 3 của Nghị định số 72/1998/NĐ-CP. Theo quy định hiện hành của
Nhà nước và các quy định của Bộ Thuỷ sản, việc cấp các loại giấy tờ nói trên được
quy định như sau:
1.1. Các giấy tờ thuộc đăng ký
hành chính gồm: "Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá", "Giấy phép hoạt
động nghề cá", "Sổ danh bạ thuyền viên" đều do Cục Bảo vệ nguồn
lợi thuỷ sản hoặc các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh cấp cho tất cả các
phương tiện nghề cá.
Các giấy tờ này chỉ được cấp sau
khi chủ phương tiện đã thực hiện đăng ký kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận an
toàn kỹ thuật của phương tiện.
Sự phân công, phân cấp trong việc
quản lý và cấp các loại giấy tờ nói trên đã được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định
trong "Thể lệ đăng ký tàu đánh cá và thuyền viên" ban hành kèm theo
Quyết định số 413 QĐ/BVNL ngày 01/4/1996 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản.
1.2. Giấy tờ về đăng ký kỹ thuật:
Các phương tiện nghề cá chỉ được
phép hoạt động khi đảm bảo an toàn kỹ thuật theo các quy phạm của Nhà nước đã
ban hành và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Các cơ quan được quyền kiểm tra
an toàn kỹ thuật (đăng kiểm) và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của phương
tiện là:
- Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ
Giao thông vận tải, đăng kiểm và cấp "giấy chứng nhận khả năng hoạt động"
cho các phương tiện nghề cá có chiều dài đường nước thiết kế trên 20 mét; các
phương tiện nghề cá không phân biệt lớn, nhỏ của nước ngoài vào hoạt động tại
Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài hoạt động; các phương tiện nghề cá được
chế tạo bằng vật liệu mới.
- Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
đăng kiểm và cấp "sổ chứng nhận khả năng hoạt động" cho các phượng tiện
nghề cá trong nước có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở xuống và các
phương tiện nghề cá khác theo sự uỷ nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự
thoả thuận giữa Bộ Thuỷ sản và Bộ Giao thông vận tải.
Sự phân công, phân cấp trong
công tác đăng kiểm phượng tiện nghề cá đã được Bộ Thuỷ sản quy định tại Quyết định
số 211 TS/QĐ ngày 17/6/1992 về việc quản lý kỹ thuật, kiểm tra an toàn các
phương tiện nghề cá.
2. Trang bị an
toàn cho người và phương tiện nghề cá:
Tất cả các phương tiện nghề cá đều
phải được trang bị an toàn theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2.1. Các phương tiện nghề cá có
chiều dài đường nước thiết kế lớn hơn 20 mét và các phương tiện khai thác hải sản
ở vùng biển xa bờ đã đưa vào sử dụng trước ngày 07/5/1998 được trang bị theo
các tiêu chuẩn Việt Nam như sau:
- Phòng cháy và chữa cháy: theo
TCVN 4007-85
- Phương tiện cứu sinh : theo
TCVN 4018-85
- Phương tiện tín hiệu : theo
TCVN 4019-85.
- Trang bị vô tuyến điện : theo
TCVN 4020-85
- Trang bi hành hải : theo TCVN
4021-85
Các phương tiện nghề cá có chiều
dài đường nước thiết kế lớn hơn 20 mét và các phương tiện khai thác hải sản ở
vùng biển xa bờ nếu được đóng mới từ sau ngày 07/5/1998 phải được trang bị theo
các tiêu chuẩn Việt Nam như sau:
- Phòng, phát hiện và chữa cháy
: Theo TCVN 6529-5:1997
- Quy phạm trang bị an toàn tàu
biển (gồm: phương tiện cứu sinh, phương tiện tín hiệu, trang bị vô tuyến điện,
trang bị hàng hải) : Theo TCVN 6278: 1997
2.2. Các phương tiện nghề cá có
chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét nước trở xuống, phương tiện hoạt động ở
vùng biển ven bờ được trang bị an toàn tối thiểu theo quy định tại tiêu chuẩn
ngành "28 TCN 91-90: Tàu cá cỡ nhỏ - trang bị an toàn".
3. Bảo hiểm
thuyền viên và thân tàu:
3.1. Tất cả thuyền viên trên
phương tiện nghề cá phải có bảo hiểm tai nạn thuyền viên trước khi ra biển. Chủ
phương tiện nghề cá có trách nhiệm mua đầy đủ bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho
các thuyền viên làm việc trên phương tiện của mình.
3.2. Chủ phương tiện nghề cá bắt
buộc phải mua bảo hiểm thân tàu đối với các phương tiện khai thác hải sản ở
vùng biển xa bờ. Khuyến khích mua bảo hiểm thân tàu đối với các phương tiện
khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ.
4. Thuyền trưởng
phương tiện nghề cá:
4.1. Quy định về bằng Thuyền trưởng,
Máy trưởng:
Thuyền trưởng, Máy trưởng các
phương tiện nghề cá phải có bằng cấp phù hợp với quy định hiện hành như sau:
- Phương tiện nghề cá có công suất
máy nhỏ hơn 12 mã lực, tạm thời chưa quy định Thuyền trưởng, Máy trưởng phải có
bằng.
- Phương tiện nghề cá có công suất
từ 12 mã lực dến dưới 45 mã lực, người điều khiển tàu và máy phải có bằng Thuyền
trưởng, Máy trưởng tàu cá ven biển loại nhỏ.
- Phương tiện nghề cá có công
suát máy từ 45 mã lực đến dưới 150 mã lực, người điều khiển tàu và máy tàu phải
có bằng Thuyền trưởng, Máy trưởng hạng 5 tàu cá.
- Phương tiện nghề cá có công suất
máy từ 150 mã lực đến 400 mã lực, người điều khiển tàu và máy tàu phải có bằng
Thuyền trưởng, Máy trưởng hạng 4 tàu cá.
4.2. Về trách nhiệm của Thuyền
trưởng khi xuất bến và về bến:
Khi xuất bến và về bến, Thuyền
trưởng phải khai báo theo nội dung sau:
- Nội dung khai báo khi xuất bến
gồm: Họ tên Thuyền trưởng, tên phương tiện, số đăng ký phương tiện, nơi đăng
ký, danh sách thuyền viên trên phương tiện, dự kiến ngày xuất bến, ngày về bến,
dự kiến vị trí ngư trường sẽ đến khai thác.
- Nội dung khai báo khi về bến:
Họ tên thuyền trưởng, tên phương tiện, số đăng ký phương tiện, nơi đăng ký,
danh sách thuyền viên trên phương tiện, ngày đến bến đậu.
Thuyền trưởng các phương tiện
nghề cá thuộc thành phần cá thể, hộ gia đình phải khai báo với Cảng vụ của cảng
cá hoặc Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng hoặc UBND xã, phường nơi phương tiện trú
đậu (kể cả phương tiện đăng ký thường trú tại địa phương hoặc từ nơi khác di
chuyển đến).
Thuyền trưởng các phương tiện
nghề cá thuộc các doanh nghiệp phải khai báo khi xuất bến và về bến cho Giám đốc
các doanh nghiệp của mình theo nội dung khai báo nêu trên. Trường hợp ở xa hoặc
vì một lý do nào khác không liên lạc được với Giám đốc doanh nghiệp thì Thuyền
trưởng phải đến khai báo tại Cảng vụ của cảng cá hoặc Đồn, Trạm kiểm soát Biên
phòng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi phương tiện trú đậu.
5. Thuyền viên
tàu cá:
5.1. Điều kiện:
- Phải có giấy chứng nhận sức
khoẻ do cơ quan y tế huyện hoặc tỉnh cấp.
- Có khả năng bơi tự do tối thiểu
50 mét. Được Chủ tịch UBND xã, phường kiểm tra và xác nhận biết bơi đối với
thuyền viên thuộc hộ gia đình; Được Giám đốc các doanh nghiệp kiểm tra và xác
nhận biết bơi đối với thuyền viên làm việc cho các doanh nghiệp,
5.2. "Sổ thuyền viên tàu
cá":
Tất cả các thuyền viên làm việc
trên các phương tiện nghề cá có công suất máy từ 75 mã lực trở lên đều phải qua
một lớp tập huấn ngắn ngày về kiến thức cơ bản khi hành nghề trên biển và được
cấp "Sổ thuyền viên tàu cá".
Đối với thuyền viên làm việc
trên các phương tiện nghề cá có công suất máy nhỏ hơn 75 mã lực, được sử dụng
Chứng minh nhân dân khi đi biển.
Hồ sơ, thủ tục xin cấp "Sổ
thuyền viên tàu cá" được quy định tại thể lệ đăng ký tàu cá và thuyền viên
ban hành kèm theo Quyết định 413 QĐ/BVNL ngày 01/4/1996 của Bộ Thuỷ sản.
III- QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ:
Trách nhiệm của các Bộ, ngành
Trung ương; của UBND các cấp: đã được quy định tại các Điều 10; 11; 12 của Nghị
định số 72/1998/NĐ-CP, dưới đây hướng dẫn chế độ báo cáo về quản lý hoạt động của
người và phương tiện nghề cá:
1. Nội dung báo cáo:
1.1. Số lượng phương tiện, số lượng
thuyền viên và khu vực hoạt động của phương tiện trên biển hoặc nơi phương tiện
đang trú đậu.
1.2. Những thiệt hại về người và
tài sản do các tai nạn rủi ro gây ra hoặc thiệt hại do áp thấp nhiệt đới, bão,
lốc,....(sau đây gọi chung là bão) gây ra.
2. Tình huống phải báo cáo:
2.1. Trước khi bão: Khi bão có
khả năng đổ bộ vào địa phương phải báo cáo theo nội dung 1.1 nói trên đối với
các phương tiện đang hoạt động trên biển - nơi có khả năng bị bão.
Dự kiến các tình huống xấu có thể
xảy ra, số lượng phương tiện có khả năng không kịp về nơi trú bão.
2.2. Trong khi bão: Khi bão đã đổ
bộ vào vùng biển địa phương phải báo cáo theo nội dung 1.1 nói trên đối với những
phương tiện chưa vào được nơi trú bão, những phương tiện cần xin cứu viện của
Trung ương hoặc của tỉnh.
2.3. Sau khi bão: Tổng hợp báo
cáo theo nội dụng 1.2 nói trên.
Các tình huống 2.1 và 2.2 phải
được báo cáo nhanh bằng hệ thống vô tuyến điện, điện thoại, FAX hoặc bằng các
phương tiện nhanh nhất để nơi nhận báo cáo kịp thời xử lý.
3. Nơi báo cáo và nơi nhận báo
cáo:
3.1. UBND xã, phường, Đồn, Trạm
kiểm soát Biên phòng hoặc Cảng vụ của cảng cá báo cáo về UBND huyện, UBND tỉnh
và Sở Thuỷ sản.
3.2. Giám đốc các doanh nghiệp
thuộc địa phương quản lý báo cáo về UBND tỉnh và Sở Thuỷ sản.
3.3. UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo
lên Thủ tướng Chính phủ và về Bộ Thuỷ sản.
3.4. Giám đốc các doanh nghiệp
trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương báo cáo về các Bộ, ngành Trung ương và đơn
vị cấp trên trực tiếp quản lý.
3.5. Các Bộ, ngành Trung ương tổng
hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Thuỷ sản.
IV- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
Để triển khai việc bảo đảm an
toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, Bộ Thuỷ sản đề nghị
các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực
thuộc Bộ tiến hành những công việc sau đây:
1. Phổ biến, tuyên truyền các nội
dung của Nghị định và Thông tư hướng dẫn này đến các tổ chức, cá nhân có phương
tiện hoạt động nghề cá trên biển và toàn dân. Đảm bảo cho mọi tổ chức, mọi người
nắm được các nội dung trên đề nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Bộ Thuỷ sản phối hợp chặt chẽ
với các Bộ, Ngành có liên quan, ban hành tiếp một số thông tư hướng dẫn về đăng
kiểm phương tiện nghề cá, về các điểm treo tín hiệu báo bão; về mua bảo hiểm
thuyền viên và bảo hiểm thân tàu đối với người và phương tiện nghề cá, v.v...
3. UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nơi có biển có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị định
và thông tư hướng dẫn này trong phạm vi địa phương mình, căn cứ vào quyền hạn,
trách nhiệm của địa phương để ban hành các quy định nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ của
UBND cấp xã, phường trong việc quản lý người và phương tiện nghề cá trú đậu
trên địa bàn xã, phường mình.
4. Giao cho Cục Bảo vệ nguồn lợi
thuỷ sản phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Nghề cá
nghiên cứu và xây dựng chương trình Bộ một chương trình cấp Nhà nước về "đảm
bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển".
Mục tiêu của chương trình này là
tổng hợp các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và
phương tiện do bão tố gây ra hàng năm cho nghề cá.
5. Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nơi có biển) có trách nhiệm chỉ đạo các cơ
sở trực thuộc ngành, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, xã,
phường để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề
cá hoạt động trên biển.
Trên đây là nội dung hướng dẫn một
số điểm cơ bản Nghị định của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương
tiện nghề cá hoạt động trên biển. Trong qua trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
các địa phương, đơn vị, các chủ phương tiện cần phản ánh kịp thời về Bộ Thuỷ sản
để nghiên cứu sửa đổi bổ sung.