Thông tư 04-LĐTBXH/TT năm 1993 hướng dẫn Nghị định 165-HĐBT 1992 thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động do Bộ lao động thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 04-LĐTBXH/TT
Ngày ban hành 18/03/1993
Ngày có hiệu lực 18/03/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 04-LĐTBXH/TT NGÀY 18-3-1993 CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 165-HĐBT NGÀY 12/5/1992 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG.

Căn cứ Nghị định số 165-HĐBT ngày 12-5- 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động; sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thêm như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về đối tượng, phạm vi áp dụng hợp đồng lao động (điều 1, khoản 1) được cụ thể hoá như sau:

a) Người lao động làm việc trong các đơn vị kinh tế quốc doanh được thành lập trước hoặc sau ngày Bộ trưởng ban hành Nghị định số 388-HĐBT ngày 20-11-1991 về quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước.

b) Người lao động làm công cho các doanh nghiệp được thành lập theo luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty được Quốc hội thông qua ngày 21-12-1990, cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định đã đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 66 - HĐBT ngày 2-3- 1992 của Hội đồng Bộ trưởng và người làm công cho đơn vị kinh tế là hộ gia đình.

Giám đốc và kế toán trưởng làm công cho các đơn vị nói trên cũng thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này.

c) Người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp ở Trung ương, tỉnh, thành phổ trực thuộc trung ương, ở huyện và cấp tương đương mà không phải là công chức Nhà nước.

d) Người lao động làm việc cho các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội mà không phải là cán bộ chuyên trách của cơ quan, tổ chức đó.

đ) Người lao động Việt Nam làm đại diện hoặc làm công cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng thực hiện theo Thông tư này, nếu pháp luật lao động không có quy định khác.

2. Các đối tượng không áp dụng hợp đồng lao động (Điều 1 khoản 2):

a) Nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ chuyên trách Đảng, Công đoàn, thanh niên, tự vệ làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước mà không ăn lương của doanh nghiệp.

b) Các xã viên hợp tác xã.

3. Hình thức giao kết hợp đồng lao động (Điều 3):

Hợp đồng lao động ký kết bằng văn bản thì phải theo đúng bản hợp đồng lao động do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phát hành.

Hợp đồng giao kết bằng miệng nếu cần có người thứ ba chứng kiến thì do hai bên thoả thuận.

4. Hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý vi phạm:

Khi hợp đồng lao động bị coi là vô hiệu toàn bộ hoặc từng phần theo điều 8 của pháp lệnh này, Điều 4 của Nghị định số 165-HĐBT ngày 12- 5- 1992 thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường cho bên kia theo mức độ thiệt hại gây ra. Mức bồi thường do hai bên thoả thuận. Nếu việc thoả thuận không đạt kết quả thì đưa ra toà án xét xử.

Phần 2:

GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

1. Trách nhiệm khi giao kết hợp đồng lao động (Điều 5):

Người lao động xin việc nếu chưa có sổ lao động thì có thể nộp những giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của người sử dụng lao động như văn bằng hoặc giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ, giấy khám sức khoẻ, sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú.

2. Người đại diện giao kết hợp đồng lao động (Điều 6):

Đại diện cho một nhóm người lao động theo qui định tại Điều 6 Nghị định, chỉ áp dụng trong các trường hợp sau: người sử dụng lao động cần lao động để giải quyết một công việc nhất định, theo mùa, vụ có thời hạn dưới 1 năm.

3. Danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi (Điều 12 Pháp lệnh Hợp đồng lao động) được thực hiện theo phủ lục B về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 19-LĐTBXH/TT ngày 31-12-1990 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Những công việc không được sử dụng lao động nữ thực hiện theo Thông tư số 9-TT/LB ngày 29-8-1986 của Liên Bộ Lao động Y tế.

Trường hợp được sử dụng người dưới 15 tuổi thì chỉ được làm những loại công việc nhẹ nhàng, không có hại đến sức khỏe của họ như trình diễn nghệ thuật, đan, thêu, ren, thủ công mỹ nghệ v.v...

[...]