Thông tư 04/2007/TT-BCA sửa đổi Thông tư 12/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành
Số hiệu | 04/2007/TT-BCA |
Ngày ban hành | 21/05/2007 |
Ngày có hiệu lực | 28/06/2007 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Công An |
Người ký | Lê Hồng Anh |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
BỘ
CÔNG AN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2007 |
Ngày 14/12/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (Pháp lệnh sửa đổi Điều 9).
Để thực hiện thống nhất Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 9 trong toàn lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định mới trong Pháp lệnh sửa đổi Điều 9 như sau:
1. Sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng tại điểm a, mục 1.1 khoản I của Thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 trong Công an nhân dân như sau:
“Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các đơn vị trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ:
+ Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại các Chương XVI, XVII và mục B Chương XXI của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây gọi chung là tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ khác) nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra;
+ Sơ kết, tổng kết công tác điều tra, xử lý tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ khác.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng:
+ Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh quy định tại mục A Chương XXI của Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra và các tội phạm khác theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
+ Sơ kết, tổng kết công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng.
2. Bổ sung vào cuối điểm c, mục 1.1 khoản I của Thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 trong Công an nhân dân như sau:
“c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tổ chức thành ba đội điều tra thì ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội sẽ có một tổ (hoặc một số cán bộ) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Đội điều tra tổng hợp được quy định tại điểm c, mục 1.1, khoản I Thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2004;
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chỉ tổ chức hai đội điều tra: Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và ma túy thì ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội sẽ có một tổ (hoặc một số cán bộ) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Đội điều tra tổng hợp được quy định tại điểm c, mục 1.1, khoản I Thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2004;
+ Công an cấp huyện chỉ tổ chức một đội Cảnh sát điều tra thì đội này đảm nhiệm nhiệm vụ, quyền hạn của các đội trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện theo hướng dẫn tại điểm c, mục 1.1, khoản I Thông tư số 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/9/2004.”
|
BỘ
TRƯỞNG |