Thông tư 03-LĐ/TT-1977 hướng dẫn Quyết định 133-CP-1976 về công tác định mức lao động do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 03-LĐ/TT
Ngày ban hành 24/02/1977
Ngày có hiệu lực 11/03/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Thọ Chân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

Số: 03-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1977

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 133-CP NGÀY 03/8/1976 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG 

Ngày 03 tháng 8 năm 1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 133-CP về tăng cường chỉ đạo xây dựng và quản lý chặt chẽ việc thực hiện các định mức lao động.
Nay Bộ Lao động hướng dẫn và quy định như sau:

I. VỊ TRÍ VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG

1. Mức lao động là căn cứ để xác định nhu cầu số lượng và chất lượng lao động cho từng dây chuyền sản xuất, phân xưởng, nhằm cân đối sức lao động với năng lực sản xuất; xác định các hình thức tổ chức lao động, tổ chức sản xuất hợp lý và tiến bộ; xác định nhiệm vụ cho từng người lao động, tổ sản xuất, phân xưởng và cho toàn xí nghiệp trong kỳ kế hoạch. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch lao động tiền lương từng thời kỳ; lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất hàng ngày tại xí nghiệp.

2. Những tiêu chuẩn và mức lao động do từng cấp có thẩm quyền ban hành là pháp quy. Thực hiện đúng mức lao động là một trong năm điều kỷ luật lao động. Mọi công nhân phải thực hiện mức. Cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật, kinh tế, nghiệp vụ có liên quan đều phải phục vụ chu đáo cho công nhân thực hiện được mức.

Những người cố tình không chấp hành hoặc vận động người khác không chấp hành những mức lao động đã ban hành, thì thủ trưởng đơn vị tùy theo lỗi nặng nhẹ mà thi hành kỷ luật cho đến buộc thôi việc, theo điều lệ hiện hành về kỷ luật lao động.

3. Khi đã giao việc có mức lao động, phải trả lương cho người lao động theo mức độ hoàn thành mức lao động. Khuyến khích nhiều hơn bằng tiền thưởng đối với những người thực hiện tốt các mức đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Những người lao động được khen thưởng, trước hết phải là những người hoàn thành mức lao động. Những đơn vị kinh tế được khen thưởng, được công nhận hoàn thành tốt kế hoạch, cũng phải hoàn thành định mức bình quân cao hơn những đơn vị cùng loại và cùng điều kiện sản xuất không được khen thưởng.

4. Tiêu chuẩn và mức lao động phải có căn cứ khoa học kỹ thuật. Phải căn cứ vào những quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn về kỹ thuật, tình trạng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ và những cơ sở tâm sinh lý lao động…Phải xác định những hao phí thời gian khác nhau khi cùng một công việc, nhưng làm trong những điều kiện kỹ thuật và tổ chức khác nhau; bảo đảm tiết kiệm cả sức lao động và vật tư thiết bị, bảo đảm dễ hiểu, dễ sử dụng trong các mặt quản lý và khi giao việc cho người lao động.

5. Mức lao động hợp lý và tiên tiến phải thể hiện được yêu cầu tăng năng suất lao động, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, phản ảnh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm lao động tiên tiến đã được tổng kết và phổ biến. Khi nghiên cứu xây dựng mức và trong quá trình tổ chức thực hiện mức, phải chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động để thường xuyên có mức tiên tiến và chỉ tổ chức sản xuất và tổ chức lao động tốt mới bảo đảm thực hiện mức lao động được tốt.

6. Mức lao động không phải chỉ phản ánh tính pháp lệnh trong sản xuất và tính khoa học kỹ thuật, mà còn phản ánh tính quần chúng. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thủ trưởng cơ sở phải cùng công đoàn giáo dục ý thức làm chủ tập thể của mọi người lao động. Phải thường xuyên giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa thủ trưởng và quần chúng. Khi tiến hành công tác định mức lao động, thủ trưởng cơ sở phải dựa chắc vào  những công nhân, viên chức tích cực, gương mẫu trong sản xuất và công tác; phải khéo kết hợp với các cuộc vận động chính trị, các sự kiện chính trị quan trọng (như các dịp đại hội Đảng, hội nghị công nhân viên chức, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn…) để nâng cao giác ngộ chính trị; trên cơ sở đó, thúc đẩy chấn chỉnh và cải tiến công tác định mức lao động, làm cho mọi người thấy rõ nghĩa vụ và quyền lợi thiết thân trong khi thực hiện những mức lao động hợp lý và tiên tiến, thường xuyên coi mức lao động là thước đo lòng yêu nước, sự cống hiến của mình cho chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, mức lao động không phải chỉ thực hiện bằng động viên tinh thần mà còn phải được thực hiện bằng khuyến khích vật chất, áp dụng đúng đắn chế độ tiền lương và tiền thưởng, tăng cường cơ sở phúc lợi công cộng. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức lao động còn là nguồn tăng thu nhập chính đáng của người lao động.

Trong quá trình xây dựng và áp dụng mức, thủ trưởng đơn vị phải hết sức chăm lo cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất, ổn định sản xuất, ổn định lực lượng công nhân kỹ thuật, xác định nhiệm vụ sản xuất rõ ràng, bảo đảm các điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết như nguyên vật liệu, công cụ, phụ tùng thay thế… Vì vậy, phải xác định rõ trách nhiệm cho các bộ môn quản lý ra sức chuẩn bị và phục vụ tốt sản xuất và đời sống, bảo đảm các điều kiện tổ chức, kỹ thuật  như mức đã quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đạt mức. Mỗi khi điều kiện tổ chức, kỹ thuật có thay đổi lớn, phải kịp thời thay đổi mức và đơn giá.

II. XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN VÀ MỨC LAO ĐỘNG

1. Việc xây dựng tiêu chuẩn và mức lao động phải có kế hoạch, phương án cụ thể, và phải phân công rõ ràng giữa những bộ phận và cán bộ có trách nhiệm trực tiếp tham gia. Kế hoạch và phương án này cần được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt mức (hoặc cơ quan có trách nhiệm thỏa thuận ban hành mức) thông qua để góp ý kiến hoặc điều hòa hợp lý khối lượng xây dựng tiêu chuẩn và mức giữa các đơn vị có liên quan. Việc lập kế hoạch, dự trù kinh phí xây dựng tiêu chuẩn và mức lao động phải theo đúng thông tư số 33-TC/UBKHKTNN  ngày 21-10-1975 của liên bộ Tài chính - Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc quản lý chi tiêu về nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

2. Khi xây dựng hoặc sửa đổi tiêu chuẩn và mức lao động, phải căn cứ vào những tài liệu sau đây:

- Các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về kỹ thuật và các nguyên tắc, chế độ, thể lệ có liên quan khác hiện hành của Nhà nước;

- Những kinh nghiệm tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật, những phương án cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và những trang bị kỹ thuật mới sẽ áp dụng trong kỳ kế hoạch;

- Những tài liệu tổng kết về quản lý xí nghiệp, nhất là quản lý kỹ thuật và quản lý lao động;

- Những tài liệu tổng hợp và phân tích tình hình thức hiện mức lao động của đơn vị;

- Những tài liệu khảo sát thực tế ở hiện trường về tổ chức sản xuất, tổ chức lao động.

3. Tiêu chuẩn để định mức lao động phải xây dựng theo phương pháp khảo sát phân tích và phải có thí nghiệm.

Mức lao động được xây dựng theo phương pháp tính toán phân tích hoặc phương pháp khảo sát phân tích.

4. Khi khai thác những tài liệu thống kê, phải phân rõ giờ công thực làm (tách riêng giờ làm theo chế độ và giờ làm thêm), giờ công ngừng việc có lý do, giờ công làm các việc khác (không phải để hoàn thành sản phẩm), giờ công phải sử dụng thêm do không theo đúng quy định. Đồng thời tùy loại sản phẩm, phải thống kê đúng đắn sản lượng làm ra trong một khoảng thời gian nhất định (ca làm việc, tuần, tháng, quý…), đối chiếu sản lượng làm ra với số giờ công thực sự cần thiết, phân tích để tính ra mức lao động.

5. Các mức (Hoặc bảng mức) lao động phải trình bày rõ hai phần chủ yếu:

- Mức lao động (sản lượng/giờ; sản lượng/ca; giờ/đơn vị sản lượng,v.v…) và đơn giá;

- Những nhân tố có ảnh hưởng chủ yếu đến mức lao động: nội dung và thành phần công việc; đặc tính kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng; máy móc, thiết bị và các chế độ làm việc của máy móc, thiết bị đó; đặc tính đối tượng lao động và dụng cụ; điều kiện làm việc và tình trạng nơi làm việc; quy định về bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn; cấp bậc công việc, cấp bậc công nhân; các hệ số điều chỉnh cần thiết nếu có.

6. Sau khi đã có đủ những mức chi tiết cần thiết, phải dựa vào quá trình công nghệ sản xuất, tính ra mức lao động tổng hợp của đơn vị sản phẩm xí nghiệp.

Mức lao động tổng hợp này tính bằng tổng cộng lượng lao động công nghệ, lượng lao động phụ và phục vụ, lượng lao động quản lý.

Lượng lao động công nghệ (còn gọi là lượng lao động chính) là tổng cộng lượng lao động định mức của tất cả các nguyên công theo quy trình và hành trình công nghệ của sản phẩm đó. Lượng lao động phụ và phục vụ dựa vào các mức phục vụ hợp lý của tất cả các công nhân phụ và phục vụ trong các phân xưởng chính và các bộ phận phụ của xí nghiệp; cũng có thể tính theo tỷ lệ phần trăm (%) so với lượng lao động công nghệ. Lượng lao động quản lý dựa vào số lượng quy định của Nhà nước về cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật, kinh tế, nghiệp vụ của xí nghiệp.

[...]