Thông tư 03-BXD/QLXD năm 1993 hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép cho các hãng thầu nước ngoài vào nhận thầu xây dựng tại Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 03-BXD/QLXD |
Ngày ban hành | 26/01/1993 |
Ngày có hiệu lực | 26/01/1993 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Ngô Xuân Lộc |
Lĩnh vực | Đầu tư,Xây dựng - Đô thị |
BỘ
XÂY DỰNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-BXD/QLXD |
Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 1993 |
Căn cứ Nghị định số 385-HĐBT
ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản;
Căn cứ Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi
tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng thầu xây dựng nước ngoài tiến hành các
hoạt động xây dựng xây lắp công trình tại Việt Nam. Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục
cấp Giấy phép cho các hãng thầu xây dựng nước ngoài vào dự đấu thầu hoặc nhận
thầu xây dựng các công trình có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:
1. Các nhà thầu xây dựng nước ngoài khi dự đấu thầu hoặc nhận thầu xây dựng các công trình tại Việt Nam (bao gồm công trình có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; công trình của cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và cơ quan nước ngoài khác; và các công trình do Việt Nam đầu tư) đều phải được Bộ Xây dựng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Bộ Xây dựng) chấp thuận và cấp giấy phép thầu xây dựng tại Việt Nam.
Nếu hãng thầu xây dựng nước ngoài là người bỏ vốn đầu tư vào dự án, khi dự án được cấp giấy phép đầu tư thì hãng thầu xây dựng nước ngoài này được ưu tiên xét cấp giấy phép thầu xây dựng công trình thuộc dự án đó.
Đối với xí nghiệp liên doanh về xây dựng được lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi hoạt động phải có giấy phép hành nghề xây dựng do Bộ Xây dựng cấp.
Trường hợp hãng thầu xây dựng nước ngoài được hợp tác kinh doanh về xây dựng với tổ chức xây dựng Việt Nam có tư cách pháp nhân theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi dự thầu hoặc nhận thầu xây dựng công trình nào thì Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu xây dựng cho công trình đó.
2. Các hãng thầu xây dựng nước ngoài có thể xin phép làm tổng thầu theo phương thức chìa khoá trao tay (bao gồm cả thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị và lắp đặt hoàn thiện bàn giao công trình) hoặc thầu chính xây lắp hoặc nhận thầu một phần công việc xây lắp và phải ghi rõ trong đơn xin phép thầu xây dựng.
3. Giấy phép thầu xây dựng cấp cho hãng thầu xây dựng nước ngoài được cấp cho từng công trình, khi dự thầu hoặc nhận thầu ở công trình khác, hãng thầu xây dựng nước ngoài phải làm lại thủ tục xin giấy phép.
4. Giấy phép thầu xây dựng cấp cho hãng thầu xây dựng nước ngoài nào thì chỉ hãng đó được sử dụng để dự thầu hoặc nhận thầu công trình cũng như ký kết hợp đồng giao nhận thầu với chủ đầu tư.
5. Các hãng thầu xây dựng nước ngoài sử dụng nhiều lực lượng và nguyên liệu vật liệu tại chỗ, đưa được những công nghệ xây dựng hợp lý và có trình độ tiên tiến để xây dựng công trình thì được ưu tiên cấp Giấy phép thầu xây dựng.
II. ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CÁC HÃNG THẦU NƯỚC NGOÀI
1. Hãng thầu xây dựng nước ngoài là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại công nhận và được phép làm nghề xây dựng tại nước đó, được đầu tư mời dự đấu thầu hoặc chọn nhận thầu xây dựng công trình của dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.
2. Đã mở tài khoản kinh doanh tại một ngân hàng ở Việt Nam hoặc bảo đảm sẽ đăng ký mở tài khoản tại một Ngân hàng ở Việt Nam, có xác nhận vốn hiệu có của ngân hàng sở tại.
3. Cam kết sử dụng mức cao nhất các nguyên vật liệu và lực lượng lao động tại chỗ, đưa công nghệ mới và thiết bị tiên tiến vào xây dựng công trình.
4. Cam kết tôn trọng luật pháp và các quy định về xây dựng của Việt Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo luật pháp Việt Nam quy định.
III. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP THẦU XÂY DỰNG
Để được cấp Giấy phép thầu xây dựng tại Việt Nam, đại diện hợp pháp của hãng thầu xây dựng nước ngoài phải lập hồ sơ gửi Bộ Xây dựng gồm:
1. Đơn xin dự thầu hoặc nhận thầu xây dựng công trình.
2. Giấy mời dự thầu hoặc văn bản dự thầu của chủ đầu tư.
3. Bản sao giấy phép đầu tư do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp.
4. Giấy phép kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề xây dựng của nước sở tại cấp cho hãng thầu.
5. Các bản kê khai theo biểu mẫu hướng dẫn kèm theo Thông tư này.
6. Nếu hãng thầu được nhận thầu cả việc thiết kế công trình thì cần gửi kèm theo hồ sơ thiết kế tổng thể công trình.
IV. XÉT CẤP GIẤY PHÉP THẦU XÂY DỰNG VÀ THANH TRA, KIỂM TRA
1. Bộ Xây dựng xét cấp Giấy phép xây dựng cho các nhà thầu xây dựng nước ngoài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì thời gian xét cấp giấy phép được kéo dài tương ứng với thời gian bổ sung hồ sơ.
2. Trước khi tiến hành xây lắp công trình ở địa phương nào thì nhà thầu xây dựng nước ngoài phải xuất trình Giấy phép thầu xây dựng được Bộ Xây dựng cấp cho Sở xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có công trình xây dựng để biết và theo dõi việc thực hiện.