Thông tư 03/1998/TT-TCHQ hướng dẫn Chương III Nghị định 57/1998/NĐ-CP thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài do Tổng Cục Hải Quan ban hành

Số hiệu 03/1998/TT-TCHQ
Ngày ban hành 29/08/1998
Ngày có hiệu lực 01/09/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1998/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 03/1998/TT-TCHQ NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHƯƠNG III NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/1998/NĐ-CP NGÀY 31/7/1998 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, GIA CÔNG VÀ ĐẠI LÝ MUA BÁN HÀNG HOÁ VỚI NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;
Thực hiện khoản 4, Điều 29 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;
Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể việc thi hành Chương III về gia công với thương nhân nước ngoài quy định tại Nghị định 57/1998/NĐ-CP nói trên như sau:

I . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hợp đồng gia công hàng hoá ký giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài theo nội dung đã được quy định tại Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ Việt Nam là căn cứ để cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá để thực hiện hợp đồng gia công.

Các phụ kiện của hợp đồng là một bộ phận không tách rời của hợp đồng gia công.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công nếu có thay đổi, điều chỉnh các điều khoản của hợp đồng gia công, thương nhân Việt Nam tham gia ký kết hợp đồng phải cung cấp kịp thời cho Hải quan Việt Nam nơi theo dõi hợp đồng gia công các văn bản điều chỉnh đó.

Thương nhân ký hợp đồng gia công phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về ký kết và thực hiện hợp đồng gia công.

2. Tất cả hàng hoá xuất, nhập khẩu của hợp đồng gia công đều phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra giám sát của Hải quan và nộp lệ phí hải quan theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam.

3. Việc tiếp nhận hợp đồng gia công, làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu của một hợp đồng gia công, thanh khoản thanh lý hợp đồng gia công được thực hiện ở một đơn vị Hải quan thuộc tỉnh, thành phố nơi có Xí nghiệp hoặc trụ sở của doanh nghiệp. Trường hợp tại địa phương không có cơ sở Hải quan, doanh nghiệp được chọn cơ quan Hải quan thuận tiện nhất để làm thủ tục.

Nếu hàng hoá của hợp đồng gia công được xuất/nhập khẩu tại cửa khẩu của Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác với Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhập hợp đồng gia công, thì Hải quan nơi có cửa khẩu xuất/nhập làm tiếp thủ tục hải quan trên cơ sở bộ hồ sơ hải quan đã được Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận, theo dõi hợp đồng chuyển đến. Sau khi làm xong thủ tục cho lô hàng, Hải quan cửa khẩu xuất/nhập chuyển trả lại bộ hồ sơ cho Hải quan nơi tiếp nhận hợp đồng gia công.

4. Toàn bộ sản phẩm gia công phải được xuất trả cho bên nước ngoài thuê gia công hoặc khách hàng do bên thuê gia công chỉ định, trừ số sản phẩm do bên thuê gia công thanh toán tiền gia công.

Sản phẩm gia công sau khi đã xuất khẩu, nếu bên thuê gia công có văn bản trả lại hàng để tái chế, sửa chữa thì bên nhận gia công được nhận lại để tái chế và sau đó phải tái xuất khẩu.

5. Doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng mẫu để làm mẫu gia công. Hàng mẫu không có giá trị thương mại thì không phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu mẫu hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên phụ liệu, vật tư nhập khẩu của hợp đồng gia công, thì được đưa vào thanh khoản như sản phẩm xuất khẩu.

II. GIẢI THÍCH MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH

1. Đối tượng gia công: Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đều được gia công với thương nhân nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài việc gia công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài, các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định tại các Điều 12, 13, 15, 16, 17, 18 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ.

2. Về hợp đồng gia công quy định tại Điều 12 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP:

2.1. Hợp đồng gia công có thể ký trực tiếp hoặc ký qua điện tín (fax, telex...).

2.2. Hợp đồng gia công được lập bằng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một thứ tiếng nước ngoài khác do hai bên thoả thuận. Trường hợp hợp đồng được ký bằng tiếng nước ngoài, thì doanh nghiệp phía Việt Nam phải có bản dịch chính thức ra tiếng Việt, doanh nghiệp Việt Nam phải ký và đóng dấu, chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó.

2.3. Về phương thức thanh toán nêu ở khoản (d), Điều 12: Hợp đồng gia công phải ghi rõ phương thức thanh toán bằng tiền hay sản phẩm gia công. Nếu thanh toán tiền công bằng sản phẩm gia công thì phải ghi rõ loại sản phẩm, trị giá sản phẩm.

3. Về nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá quy định ở khoản (i) Điều 12 của Nghị định: trong hợp đồng các bên phải thoả thuận về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá. Bên thuê giá công phải cam kết chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

Trường hợp nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ đó trùng với nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì phải có giấy chứng nhận của Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam.

4. Máy móc thiết bị thuê, mượn quy định tại Chương III của Nghị định bao gồm máy móc thiết bị đồng bộ, máy móc thiết bị lẻ và dụng cụ sản xuất, dụng cụ thay thế, bổ sung do bên thuê gia công cung cấp dưới hình thức tạm nhập - tái xuất.

5. Định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư (quy định tại Điều 13, 18 của Nghị định) là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Định mức vật tư tiêu hao là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dùng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, nhưng không cấu thành trên sản phẩm hoặc không biểu hiện ra bên ngoài thành một bộ phận của sản phẩm.

Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hao hụt trong quá trình sản xuất. Tỷ lệ hao hụt này phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu, trình độ công nhân, sự cố máy móc thiết bị và các nguyên nhân khác.

6. Giám đốc doanh nghiệp quy định tại Điều 13 được hiểu như sau:

Đối với thương nhân là pháp nhân: là Giám đốc doanh nghiệp. Đối với thương nhân là cá nhân: là chính cá nhân đó. Đối với thương nhân là tổ hợp tác: là người đứng đầu tổ hợp tác đó. Đối với thương nhân là hộ gia đình: là chủ hộ của hộ gia đình đó.

[...]