Thông tư 02-TS-TT năm 1963 quy định thống nhất chế độ trang bị phòng hộ lao động do Tổng cục Thuỷ sản ban hành.

Số hiệu 02-TS-TT
Ngày ban hành 28/01/1963
Ngày có hiệu lực 12/02/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Cao Đàm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG CỤC THỦY SẢN

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số : 02-TS-TT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 1963

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Sở, Ty Thủy sản các tỉnh
- Các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh
- Các trường trung cấp thủy sản trung ương và địa phương
- Trường kỹ thuật cơ khí hàng hải
- Các trạm nghiên cứu, trạm vật tư.

Ngành thủy sản mới thành lập, nhưng sự phát triển sản xuất rất phức tạp, mang nhiều tính chất công tác khác nhau như khai thác cá biển, cơ khí tàu thuyền, chế biến thủy sản, thu mua phân phối thực phẩm nguyên vật liệu mà nhất là nghề đánh cá ngoài biển khơi, thường xuyên lưu động trên mặt biển chịu đựng với thời tiết thiên nhiên, sóng gió bất ngờ nặng nhọc và nguy hiểm. Trong điều kiện làm việc cũng gặp nhiều khó khăn, vì chế độ phòng hộ lao động chưa được ban hành đầy đủ và thống nhất trong ngành, do đó cũng làm trở ngại cho các cơ sở xí nghiệp trong việc lập kế hoạch bảo hộ lao động và dự trù mua sắm dụng cụ phòng hộ hàng năm để trang bị cho công nhân sản xuất. Mặt khác việc quy định phân công trách nhiệm của cán bộ môn chưa được rõ ràng, trách nhiệm bảo quản, sử dụng các dụng cụ phòng hộ lao động chưa có kế hoạch chu đáo, nên việc chấp hành các nội quy chưa được nghiêm chỉnh..

Căn cứ theo tinh thần thông tư số 13-LĐ-TT ngày 20-06-1962 của Bộ Lao động đã quy định các nguyên tắc cấp phát, sử dụng, bảo quản dụng cụ phòng hộ lao động;

Căn cứ theo nghề nghiệp của ngành thủy sản hiện nay và phát triển sản xuất sắp đến, để đáp ứng yêu cầu của sản xuất , nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến cơ thể người lao động;

Được sự thỏa thuận của Bộ Lao động tại công văn số 2047-LĐ-BHLĐ ngày 17-12-1962 và Tổng công đoàn Việt-nam tại Công văn số 18-HC-P9, ngày 08-01-1963 cùng với sự thống nhất của Công đoàn thủy sản Việt-nam, Tổng cục Thủy sản ban hành chế độ trang bị phòng hộ lao động, cụ thể cho từng nghề nghiệp và thống nhất trong ngành thủy sản nhằm:

Thống nhất những thông tư đã ban hành và các văn bản quy định tạm thời trước đây;

- Phân biệt tính chất điều kiện lao động cụ thể của từng nghề để trang bị cho thích hợp với yêu cầu sản xuất;

- Quy định nguyên tắc cấp phát, sử dụng bảo quản và trách nhiệm của các bộ môn trong cơ quan, xí nghiệp, việc dự trù mua sắm cấp phát dụng cụ và trách nhiệm bảo quản của cá nhân được cấp phát dụng cụ phòng hộ lao động.

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT TRANG BỊ DỤNG CỤ PHÒNG HỘ

A. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC TRANG BỊ

Những cán bộ công nhân làm việc trong một hay nhiều điều kiện sau đây thì được trang bị cá nhân (hoặc cho mượn) tùy theo công việc làm thường xuyên hay không thường xuyên.

1. Làm việc trực tiếp với những nguyên vật liệu có chất độc, khí độc, hơi độc, bụi độc nhiễm vào người, ảnh hưởng tới sức khỏe.

2. Làm việc trực tiếp với những nguyên vật liệu ẩm ướt, hôi thối dơ bẩn dễ bị nhiễm trùng hoặc làm việc ở nơi nóng quá, lạnh quá mức bình thường.

3. Làm việc trong những điều kiện không bình thường như:

- Ánh sáng chói quá có hại đến mắt;

- Dưới hầm kín hoặc trong buồng kín thiếu không khí khó thở;

- Tiếp xúc với những vật nhọn, sắc cạnh, vật nặng, vật ráp có thể bị cọ xát cơ thể;

- Tiếp xúc với vật bị đun nóng, nung nóng, hơi khí nóng, nước sôi, những mảnh kim loại nóng có thể bắn làm cháy bỏng da thịt;

- Có nhiều bụi độc quá tiêu chuẩn quy định;

- Thường xuyên làm việc những nơi nóng quá, lạnh quá tiêu chuẩn quy định.

- Những nơi dơ bẩn lầy lội, hoặc có các chất axit dễ ăn lở loét chân tay, da như: mổ cá, rửa cá, gọt dứa, cắt dứa, lội dưới âu đà, trộn chượp; v.v...

- Thường xuyên phải lưu động, làm việc ngoài trời chịu ảnh hưởng nắng mưa sương gió, vì công việc không thể nghỉ để trú ẩn được (nhất là nghề đánh cá ngoài khơi và vận tải đường thủy).

4. Làm việc trong những điều kiện nguy hiểm như:

- Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36vôn;

- Làm việc trên cao như: chữa dây điện, bắt dây buồm, chữa ống khói;

- Làm việc dưới nước như: lặn kẹp chì, gỡ rạn, gỡ lưới vướng chân vịt.

[...]