Thông tư 02-BYT/TT năm 1994 hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lần thứ hai do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 02-BYT/TT
Ngày ban hành 27/01/1994
Ngày có hiệu lực 11/02/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trọng Nhân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-BYT/TT

Hà Nội, ngày 27 tháng 1 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 02-BYT/TT NGÀY 27 THÁNG 1 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ LẦN THỨ 2

Thi hành Pháp lệnh ngày 30/5/1985 của Hội đồng Nhà nước quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc và Nghị định số 05/HĐBT ngày 09/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước quy định các danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các thầy thuốc, và trên cơ sở đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm của đợt phong tặng danh hiệu lần thứ nhất, Bộ Y tế hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú lần thứ hai như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG

1. Các bác sĩ, y sĩ, thầy thuốc y học dân tộc (gọi chung là thầy thuốc) làm công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, khám chữa bệnh, nghiên cứu y học, quản lý ở tất cả các đơn vị chuyên môn kỹ thuật y tế từ trung ương đến địa phương và y tế ngành.

2. Các thầy thuốc ở các cơ quan quản lý trong ngành y tế mà trước đó đã có đủ thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế như Nghị định 05/HĐBT đã quy định (cụ thể là: Tối thiểu phải đủ 10 năm đối với thầy thuốc nhân dân và đủ 7 năm với thầy thuốc ưu tú).

3. Các thầy thuốc đã nghỉ hưu sau năm 1988 thuộc một trong hai đối tượng trên.

Các thầy thuốc mà nhiệm vụ chính là làm công tác đào tạo tại các trường y tế không thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu thầy thuốc mà thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu nhà giáo.

Mỗi cá nhân chỉ được xét tặng một trong ba danh hiệu vinh dự của Nhà nước (danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc).

II. TIÊU CHUẨN

A.THẦY THUỐC NHÂN DÂN:

1. Đạo đức:

Trung thành với tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội. Thiết tha yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì người bệnh và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo lời Bác Hồ dạy: "Lương y như từ mẫu". Khiêm tốn học hỏi, trung thực, đoàn kết và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tôn trọng luật pháp. Luôn là tấm gương sáng trong ngành về nếp sống, tác phong và phẩm chất đạo đức.

2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân:

- Đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và các cấp quản lý thừa nhận, đánh giá cao.

- Có nhiều đóng góp lớn xây dựng đơn vị và ngành về các mặt: phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y tế, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao được chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.

- Có công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến hay ứng dụng khoa học kỹ thuật có giá trị về y học hiện đại hoặc y học cổ truyền dân tộc đã được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Các công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến phải được Hội đồng khoa học cấp Bộ trở lên công nhận, xếp hạng cao.

3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: thực hiện như Điều 2 của Nghị định 05/HĐBT ngày 09/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định.

Tóm lại, thầy thuốc nhân dân là người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức mẫu mực, trong sáng, được đồng nghiệp và nhân dân tín cẩn, kính trọng, có uy tín rộng rãi trong ngành và trong xã hội.

B. THẦY THUỐC ƯU TÚ:

1. Đạo đức: (Như thầy thuốc nhân dân)

2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

- Đạt thành tích tốt nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và cấp quản lý trực tiếp thừa nhận.

- Có nhiều đóng góp tích cực xây dựng đơn vị và ngành về các mặt: phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y tế, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.

- Có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc giải pháp hữu ích có giá trị thuộc y học hiện đại hay y học cổ truyền dân tộc được ứng dụng rộng rãi có hiệu quả thiết thực ở đơn vị, địa phương.

Các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến này phải được hội đồng khoa học của đơn vị trực thuộc Bộ, của Sở Y tế hoặc bệnh viện tỉnh công nhận, xếp hạng cao.

3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: thực hiện như Điều 3 của Nghị định 05/HĐBT ngày 9/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định.

[...]