Thông tư 02/2015/TT-BCA quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành

Số hiệu 02/2015/TT-BCA
Ngày ban hành 05/01/2015
Ngày có hiệu lực 20/02/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Trần Đại Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2015/TT-BCA

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2015

 

 THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH TIẾN HÀNH MỘT CUỘC THANH TRA
HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; 

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mục đích, trình tự tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Công an các đơn vị, địa phương.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra hành chính, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 3. Mục đích thanh tra hành chính

Thanh tra hành chính trong Công an nhân dân nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và các quy định của ngành Công an để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Điều 4. Địa điểm, thời gian làm việc của đoàn thanh tra

1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phân công tối thiểu hai (02) thành viên của Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại trụ sở hoặc nơi tiến hành kiểm tra, xác minh.

2. Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính; trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Điều 5. Nhật ký đoàn thanh tra

1. Nhật ký đoàn thanh tra là sổ ghi chép nội dung hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra trong ngày, từ khi có quyết định thanh tra đến khi tổng kết hoạt động Đoàn thanh tra.

2. Hàng ngày, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi chép sổ nhật ký và ký xác nhận về nội dung đã ghi chép. Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra giao việc ghi chép sổ nhật ký cho thành viên Đoàn thanh tra nhưng Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về việc ghi chép và ký xác nhận nội dung ghi chép đó vào nhật ký Đoàn thanh tra.

3. Nội dung nhật ký Đoàn thanh tra gồm:

a) Ngày, tháng, năm, các công việc đã tiến hành; tên cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc có liên quan được kiểm tra, xác minh, làm việc;

[...]