Thông tư 02/2006/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 270/2005/QĐ-TTg về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 02/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 16/01/2006
Ngày có hiệu lực 16/02/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 270/2005/QĐ-TTG GÀY 31/10/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG,QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TIỀN GỬI TIẾT KIỆM BƯU ĐIỆN

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư theo Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các dự án đầu tư, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.

2. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được cung ứng một số dịch vụ ngân hàng theo qui định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004.

3. Tổ chức được Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam giao thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện thực hiện chế độ tài chính theo Quy chế tài chính của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính đối với hoạt động dịch vụ tiết kiệm Bưu điện.

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về huy động và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện:

a) Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam được phép huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư dưới các hình thức:

- Nhận tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn;

- Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo qui định của pháp luật.

b) Lãi suất huy động tiết kiệm phải đảm bảo phù hợp với lãi suất thị trường và phù hợp với mặt bằng lãi suất tại từng thời điểm.

c) Nguồn vốn huy động tiết kiệm bưu điện được tập trung điều chuyển qua tài khoản tiền gửi của Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện mở tại các ngân hàng thương mại và được sử dụng như sau:

- Giữ lại một phần theo qui định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đảm bảo chi trả thường xuyên cho người gửi tiền khi đến hạn hoặc có nhu cầu rút tiền đột xuất.

- Chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo chủ trương của Chính phủ.

- Nguồn vốn còn lại nếu Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội không có nhu cầu vay thêm thì được dùng để: Mua, mua lại giấy tờ có giá do Chính phủ, Kho bạc Nhà nước phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Mua lại trái phiếu do Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành.

2. Vào quí IV hàng năm, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất kế hoạch chuyển giao vốn năm kế hoạch báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

3. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội theo mức lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn, phát hành theo phương thức đấu thầu gần nhất trong tháng. Trường hợp trong tháng không có đợt phát hành trái phiếu Chính phủ cùng loại, Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc cụ thể với Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam để xác định mức lãi suất, bảo đảm không vượt mức trần lãi suất trái phiếu Chính phủ của tháng đó do Bộ Tài chính thông báo cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Việc chuyển giao, tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả nguồn vốn tiết kiệm bưu điện giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm được thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn giữa Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (Mẫu hợp đồng theo phụ Biểu số 1 đính kèm). Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm giao đủ và đúng cơ cấu số vốn theo tiến độ mà Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội và Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã thoả thuận trong hợp đồng vay.

Mỗi lần chuyển vốn vay được thực hiện bằng một chứng chỉ cho vay do Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện phát hành (Mẫu chứng chỉ cho vay theo phụ Biểu số 2 đính kèm).

4. Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm tiếp nhận nguồn vốn tiết kiệm bưu điện để cho vay đối với các dự án đầu tư, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo qui định của Chính phủ; cho vay đúng mục đích, thu hồi vốn cho vay và hoàn trả đầy đủ cả vốn và lãi cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam.

Việc trả nợ gốc và lãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thực hiện như sau:

- Nợ gốc: Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm bố trí nguồn vốn để trả cho Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đầy đủ, kịp thời theo hợp đồng vay vốn.

- Trả lãi: Lãi vay được tính từ ngày tiền vay được chuyển vào tài khoản tiền gửi của Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi vay được tính theo phương pháp tích số, một năm 365 ngày.

5. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện được cung cấp cho khách hàng các loại hình dịch vụ theo qui định tại Điều 4 Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

- Dịch vụ thanh toán;

- Dịch vụ chuyển tiền mặt và kiều hối;

[...]