Thông tư 018-TT năm 1960 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 231-TTg về việc cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành

Số hiệu 018-TT
Ngày ban hành 20/12/1960
Ngày có hiệu lực 04/01/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Phan Trọng Tuệ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 018-TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 231-TTG NGÀY 05-10-1960 CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG VỀ VIỆC CẢI TIẾN VÀ XÂY DỰNG CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT

I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ

Căn cứ vào tình hình quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật hiện nay trong các xí nghiệp, công trường cũng như trong giao thông vận tải và để thực hiện phương châm sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” thì tiến hành công tác cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật là một việc rất cần thiết và cấp bách. Nếu không có các chỉ tiêu kinh tế và tiểu chuẩn kỹ thuật thích hợp thì không đẩy mạnh sản xuất và quản lý xí nghiệp tốt được và tình trạng lãng phí trầm trọng nhân, vật, tài lực không thể tránh được.

Trong nghị quyết Đại hội Đảng về phần công tác kinh tế có nói: “Tập trung lực lượng đẩy mạnh tăng năng suất, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, chuẩn bị cơ sở cho kế hoạch 1961…” cũng trong nghị quyết Đại hội Đảng về phần công tác khoa học có nói: “Phải nghiên cứu những vấn đề kỹ thuật riêng của nước ta…nghiên cứu áp dụng những tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình kỹ thuật của các nước vào điều kiện nước ta tiến tới xây dựng cho ta một hệ thống các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình kỹ thuật thích hợp…”. Chúng ta có thể thấy rằng một trong những vấn đề cấp bách phải thực hiện để phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Xây dựng các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật là định hiệu suất sử dụng thiết bị, phương tiện, máy móc, định mức năng suất lao động, định mức tiêu dùng nguyên nhiên vật liệu, điện lực cho từng loại sản xuất, cho từng loại sản phẩm. Các chỉ tiêu ấy là cơ sở để quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, để hạch toán kinh tế, có tác dụng tốt quản lý giá thành sản phẩm. Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định quy cách, phẩm chất của sản phẩm, v.v… Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện rất cơ bản để quản lý xí nghiệp. Việc gì chưa có chỉ tiêu thì xây dựng; chỉ tiêu hoặc tiêu chuẩn nào đã có, nhưng nếu xét không thích hợp nữa thì cải tiến cho tiến bộ hơn.

Cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn cũng là yêu cầu thiết thực cho phong trào thi đua của công nhân và cán bộ. Làm công tác này tốt chẳng những tạo ra điều kiện vững chắc, khoa học để thi đua, để quản lý xí nghiệp mà còn thúc đẩy anh chị em công nhân học tập thêm nghề nghiệp nắm vững kỹ thuật máy móc do mình phụ trách, nắm vững khả năng của thiết bị khả năng lao động của mình, nắm vững các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật của xí nghiệp, thiết thực tham gia quản lý xí nghiệp, để thực hiện có kết quả quyền làm chủ xí nghiệp. Đối với cán bộ nhân cơ hội này mà nâng thêm một bước trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý kinh tế của mình, học hỏi thêm được trí thức sản xuất của quần chúng, gắn chặt thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với công nhân. Làm công tác này tốt là đẩy mạnh thêm một bước cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt tư tưởng, văn hóa và khoa học kỹ thuật, về mặt quản lý sản xuất quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. Công tác này sẽ khắc phục cho cán bộ và công nhân những tư tưởng cũ phát hiện và bồi dưỡng những tư tưởng và tác phong tốt, cải tiến dần tác phong lề mề, đại khái, quan liêu, tạo ra một phong cách sản xuất và quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa là dám nói, dám nghĩ, dám làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, nhiệt tình khẩn trương, chín chắn, v.v…Kết quả đó cho chúng ta điều kiện để thực hiện yêu cầu đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc với nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, lợi ích của việc xây dựng và cải tiến các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật về mặt kinh tế-chính trị, tổ chức đều rất lớn. Mỗi người, mỗi đơn vị cần nhận rõ và tích cực thi hành nghiêm chỉnh, khẩn trương, chu đáo thông tư số 231-TTg của Thủ tướng Chính phủ phục vụ cho kế hoạch 1961 được tốt.

II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Ngành Giao thông và Bưu điện gồm 3 Tổng cục, lưới hoạt động từ trung ương đến các địa phương (nhất là Bưu điện xuống đến huyện xã), có bộ phận tập trung như các công trường xây dựng đường sắt, đường bộ, có bộ phận phân tán như các đoàn xe, đoàn tàu, đội khảo sát và luôn luôn di động rất khó khăn cho việc quản lý mọi mặt.

Trừ ngành Đường sắt có điều kiện lãnh đạo thống nhất và tập trung từ trên xuống dưới còn các ngành khác đều chịu hai chiều lãnh đạo: Bộ và các Tổng cục lãnh đạo về mặt nghiệp vụ chuyên môn, các mặt khác do Uỷ ban địa phương các cấp lãnh đạo, do đó sự kết hợp công tác cũng gặp khó khăn và trở ngại.

Ngành có nhiệm vụ quản lý và xây dựng các công trình về đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường dây bưu điện để phục vụ cho nhiệm vụ chủ yếu là công tác Giao thông vận tải và thông tin liên lạc.

Do nhiệm vụ trên, các tính chất về nghiệp vụ chuyên môn về sản xuất sửa chữa, về xây dựng cơ bản của ba Tổng cục đều có những yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu cung cấp riêng biệt.

- Về nghiệp vụ chuyên môn có vận tải đường sắt, đường bộ (ô-tô), đường sông, đường biển và công tác điện chính bưu chính, phát hành báo chí.

- Về sản xuất công nghiệp các xưởng cơ khí, trước kia chủ yếu sửa chữa các loại phương tiện vận tải thuỷ bộ, các loại máy công trình và sản xuất một số phụ tùng thay thế, gần đây trong kế hoạch 3 năm có sản xuất một số mặt hàng mới như đóng xa-lan, ca-nô, ro-moóc, toa xe hàng, toa xe khách, máy điện thoại để bàn và các loại tổng đài điện thoại.

- Về xây dựng cơ bản: Đường sắt xây dựng các tuyến đường sắt mới, đặt thông tin hiệu chí, xây dựng nhà ga, cấp nước, cầu, cống, v.v… Đường bộ xây dựng đường sá, cầu, cống, bến phà; Đường thủy nạo vét lòng lạch, sông ngòi, cửa biển và xây dựng các bến tàu và hải cảng; Bưu điện xây dựng các công trình về các đường dây thông tin liên lạc. Ngoài ra ngành còn quản lý và tu bổ sửa chữa các công trình trên.

Do tính chất phức tạp nhiều ngành nghề, nhiều loại công trình, nhiều mặt hàng sản xuất và sửa chữa, nhiều cấp sửa chữa cho nên yêu cầu cung cấp nguyên nhiên vật liệu, của ngành rất phức tạp.

Ngành quản lý các loại phương tiện vận tải thuỷ bộ, các thiết bị về bưu điện, một số lớn máy công cụ, máy công trình, máy đo đạc khảo sát, các loại tàu vận tải, tàu kéo, tàu cuốc để phục vụ cho yêu cầu vận tải, sản xuất và xây dựng.

Tình trạng máy móc thiết bị và các loại phương tiện vận tải rất phức tạp, có những loại máy tiếp thu đã sử dụng trên dưới vài chục năm, có những loại máy mới viện trợ và mua sắm trong những năm gần đây của các nước như Liên xô, Trung quốc, Tiệp khắc, Ba lan, Công hoà dân chủ Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật bản, Tây Đức, v.v… quy cách to nhỏ khác nhau, kỹ thuật bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng yêu cầu trình độ nghiệp vụ cao trong khi khả năng chuyên môn của công nhân có hạn.

Từ khi thi hành chế độ hạch toán kinh tế đến nay, và qua cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp nhiều xí nghiệp công trường đã xây dựng và áp dụng một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật do đó đã có cơ sở lập kế hoạch toàn diện tương đối chính xác, phát huy được khả năng tiềm tàng của xí nghiệp công trường. Nhờ kinh nghiệm sản xuất và quản lý sản xuất trong mấy năm qua, nhờ ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và nhiệt tình lao động của cán bộ công nhân sau học tập cải tiến quản lý xí nghiệp, kết hợp với việc xây dựng một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, các xí nghiệp công trường đã giảm được một phần lãng phí, nâng cao hiệu suất lao động, hạ giá thành sản phẩm công trình, đảm bảo chất lượng trong sản xuất và xây dựng.

Với khẩu hiệu “phấn đấu trở thành cá nhân tiền tiến, đơn vị tiền tiến đẩy mạnh sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch” nhiều chỉ tiêu đã được nâng cao. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 1960 công nhân đường sắt đã tăng mức kéo từ 8% lên đến 136% như trên đoạn Hải dương Hải phòng đầu máy Prairie đã nâng mức kéo từ 500T lên đến 1.184T, tăng 136%. Đoạn Đồng Mỏ- Kép đầu máy Mikado đã nâng mức kéo từ 850T lên đến 1.444 tấn tăng 69%. Bình quân năm 1960 một đầu máy kéo trong một khu đoạn ấn định 1.530T đã thực hiện 2.167T tăng 41,01%. Công nhân quốc doanh sông biển đã kéo một chuyến 14 xà-lan chở 3.200T hàng với một tàu kéo 360cv (trước chỉ kéo 1.200T), Khu Giao thông Việt bắc đã kéo thí điểm thành công 10 rơ-moóc,Ty Giao thông Thanh hoá đã kéo thí điểm thành công 10 và 15 rơ-moóc. Vấn đề giải phóng xe nhanh trong sửa chữa đang có đà tiến mạnh trong các xí nghiệp và các đơn vị vận tải. Cụ thể đại tu một chiếc xe trước phải giữ trong xưởng từ 45 đến 60 ngày nay rút xuống chỉ 1 ngày với số giờ ấn định từ 1.800 đến 2 000 giờ nay chỉ từ 1.200 đến 1.500 giờ thôi. Phong trào cải tiến phương tiện giải phóng đôi vai đang được đẩy mạnh trên các công trường. Công trường 426 Tây bắc đã giải phóng đôi vai 90%, các công trường thuộc các tỉnh trung du và đồng bằng giải phóng đôi vai từ 40% đến 50%. Vấn đề đào đất ở công trường 426: từ mức 4m3 đến 8m3 một công, có người đạt được 150m3, đạt đột xuất có người đào được 180 và 200m3.

Những điển hình trên tuy chưa thành một phong trào rộng khắp trong toàn ngành nhưng nó chứng minh một cách hùng hồn rằng khả năng tiềm tàng của cán bộ và công nhân chúng ta là vô tận, nó nói lên tinh thần dũng cảm trong đấu tranh sản xuất của cán bộ và công nhân chúng ta. Nó đã có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, nhờ đó mà kế hoạch năm 1960 và kế hoạch 3 năm có điều kiện thuận lợi hoàn thành tốt đẹp. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt mức, nhiều đơn vị vận tải, sản xuất, và xây dựng hoàn thành kế hoạch trước thời hạn: Cụ thể:

So với nhiệm vụ kế hoạch 3 năm (1958-1960)

- Về vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ) toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển nói chung, nếu tính riêng hàng hóa trong nước vượt 13,4%, khối lượng luân chuyển vượt 16,5%. Tổng giá trị khối lượng nghiệp vụ bưu điện vượt 2,2%, mặt khác, giá thành vận tải năm 1960 giảm hơn mức kế hoạch định và so với năm 1957 đường sắt giảm 40%, đường bộ giảm 34%, đường sông giảm 40% và đường biển 48%.

- Về sản xuất công nghiệp giá trị tổng sản lượng công nghiệp toàn ngành vượt 34,1% (chi tiết: đường sắt 50,4%, đường bộ 16,9%, đường thủy 3,5%, Bưu điện 70,1%).

- Về xây dựng cơ bản giá trị tổng sản lượng xây dựng cơ bản toàn ngành vượt 7,6% (chi tiết: Đường sắt 39,8%, đường bộ 15%, Bưu điện 12,4% riêng đường thuỷ hụt 3,6%).

- Về năng suất lao động, nếu lấy năm 1957 làm chuẩn là 100% thì năm 1960:

a) Về vận tải đường sắt vượt 105,34%, đường bộ vượt 144,7%, đường thuỷ vượt 75,2%, cảng Hải phòng vượt 128,94%, Bưu điện vượt 120,49%.

[...]