PHỦ
THỦ TƯỚNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
231-TTg
|
Hà
Nội , ngày 05 tháng 10 năm 1960
|
CHỈ THỊ
VIỆC CẢI TIẾN VÀ XÂY DỰNG CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ, KỸ THUẬT VÀ
TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT TRONG XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG
I. NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CÁC
CHỈ TIÊU KINH TẾ, KỸ THUẬT VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT HIỆN NAY
Từ khi ban hành chế độ hạch toán
kinh tế, nhất là từ khi cải tiến quản lý xí nghiệp đến nay, ở nhiều ngành và
đơn vị sản xuất đã ban hành và thực hiện các loại chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm làm cơ sở thực tế cho việc đặt và thực hiện kế hoạch,
phát huy khả năng tiềm tàng của xí nghiệp, công trường, thực hiện phương châm sản
xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Việc ban hành tiêu chuẩn, định mức đó, tuy mới là
bước đầu, nhưng đã có tác dụng nhất định trong việc quản lý kinh tế và kỹ thuật.
Nhất là trong ngành xây dựng cơ bản, nhờ có ban hành một số chỉ tiêu kinh tế kỹ
thuật chủ yếu nên đã giảm bớt được một phần lãng phí và dần dần tăng được hiệu
suất lao động. Tuy nhiên trong việc xây dựng, ban hành và quản lý thực hiện các
chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của các ngành và đơn vị sản
xuất, xây dựng, nói chung còn nhiều thiếu sót:
1. Trong nhiều ngành và
đơn vị sản xuất, xây dựng, vận tải, vv… hiện nay vẫn chưa xây dựng hoặc chưa
xây dựng đủ các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật chủ yếu và các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Có một số chỉ tiêu mới chỉ do địa phương tự xây dựng, chưa được ban hành thống
nhất.
2. Việc ban hành các chỉ
tiêu kinh tế, kỹ thuật nhiều khi chỉ do cấp lãnh đạo cùng các cơ quan kỹ thuật,
nghiệp vụ nghiên cứu quy định ra, hoặc có khi còn dựa vào tài liệu cũ của pháp
hồi trước giải phóng, nói chung chưa dựa trên cơ sở phát động quần chúng để xây
dựng và cải tiến, nâng cao.
3. Bên cạnh các chỉ tiêu
kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa quy định đầy đủ các thể lệ, chế
độ cần thiết về các mặt (như về bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, phương
tiện, dự trữ, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, quy cách nguyên liệu, vật liệu,
vv…) để đảm bảo việc thực hiện, do đó khi có chỉ tiêu xây dựng sát đúng, nhưng
gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, nên không thực hiện được tốt.
4. Trong các ngành, chưa
có chế độ rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của quản lý, thực hiện, sửa đổi
(nâng cao hoặc hạ thấp) các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã đề ra. Có nhiều chỉ tiêu
đến nay không còn phù hợp nữa mà chưa được sửa đổi.
5. Việc cải tiến và xây dựng
các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chưa thành một công tác thường xuyên kết hợp chặt
chẽ với phong trào thi đua tiên tiến.
Những thiếu sót trên đây đã ảnh
hưởng không tốt đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước: khả năng tiềm tàng của
công nhân và của máy móc, phương tiện còn rất lớn mà chưa tận dụng hết; kế hoạch
Nhà nước chưa có cơ sở chính xác để quản lý cho tốt; chế độ hạch toán kinh tế
không có cơ sở vững chắc để thực hiện đầy đủ; phương châm sản xuất nhiều,
nhanh, tốt, rẻ chưa được thực hiện triệt để trong các ngành sản xuất, xây dựng
và vận tải.
II. NẮM VỮNG
YÊU CẦU MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC CẢI TIẾN VÀ XÂY DỰNG CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ, KỸ THUẬT
VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT
Hiện nay nhiệm vụ hoàn thành kế
hoạch 3 năm và năm 1960 còn khá nặng. Nhiệm vụ chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất và năm 1961 đã đặt ra cấp thiết. Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với tốc độ
cao, đòi hỏi chúng ta phải tiến lên một bước trong việc quản lý kinh tế
có kế hoạch, trước hết là phải quản lý tốt các xí nghiệp, công trường nhằm
đẩy mạnh sản xuất theo phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, tận lực phát
huy khả năng tiềm tàng của công nhân, máy móc, phương tiện, nâng cao hơn nữa
trình độ kỹ thuật và năng suất lao động của công nhân, cải tiến phẩm chất sản
phẩm, hạ giá thành, thực hành tiết kiệm, tăng thêm tích lũy cho Nhà nước, tạo
điều kiện thúc đẩy sản xuất mở rộng và cải thiện đời sống của công nhân và nhân
dân lao động.
Để đạt tới yêu cầu đó, cần phải
sửa chữa những thiếu sót hiện nay trong việc cải tiến xây dựng và quản lý các
chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian từ nay đến hết
năm 1960 (chậm nhất là đến cuối tháng 1-1961), kết hợp với đợt thi đua phát huy
thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, tất cả các xí nghiệp, công trường
(kể cả xí nghiệp và công trường, lâm trường), cần đẩy mạnh công tác cải tiến và
xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Công tác này,
muốn thu được kết quả tốt đẹp, phải phát động quần chúng rộng rãi, có lãnh đạo
thống nhất trong từng ngành sản xuất, xây dựng, vận tải, kết hợp chặt chẽ giữa
lãnh đạo với quần chúng, giữa chuyên môn, kỹ thuật với chính trị, giữa Đảng,
Công đoàn, Đoàn thanh niên với cơ quan chính quyền.
III. NẮM VỮNG
NỘI DUNG CỦA VIỆC CẢI TIẾN, XÂY DỰNG CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ, KỸ THUẬT VÀ TIÊU CHUẨN
KỸ THUẬT
Muốn cho công tác cải tiến và
xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật đạt được kết quả
tốt, cần hướng vào những nội dung cụ thể sau đây:
1. Tăng cường
giáo dục tư tưởng và chính trị.
a) Trên cơ sở giáo dục về thắng
lợi to lớn của Đại hội Đảng và tầm quan trọng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất,
cần nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng của quần chúng, nâng cao nhận thức về
vai trò làm chủ xí nghiệp, công trường, vai trò tiền phong của giai cấp công
nhân, động viên lòng hăng hái tiến lên hàng đầu trong việc thực hiện các Nghị
quyết của Đại hội và thực hiện kế hoạch Nhà nước.
b) Giáo dục sâu sắc về phương
châm “cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”,
tìm ra những ưu điểm và nhất là những thiếu sót trong việc chấp hành phương
châm đó của đơn vị và của cá nhân trong các tổ sản xuất, đặc biệt là trong việc
thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
c) Làm cho cán bộ và công nhân
nhận thức rõ: để quán triệt phương châm “cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội”,
“sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”… cần phải cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu
kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Muốn thực hiện được việc đó, phải đẩy
mạnh hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.
d) Khắc phục tư tưởng bảo thủ,
ngại khó, các khuynh hướng kỹ thuật nghiệp vụ đơn thuần, tư tưởng thần bí kỹ
thuật; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư tưởng tiền tiến vươn lên hàng đầu,
bồi dưỡng thái độ lao động mới và tập quán lao động mới, đề cao tinh thần kỷ luật
và trách nhiệm, đề cao tác phong đi sát quần chúng, dựa vào quần chúng công
nhân của cán bộ lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ.
2. Đẩy mạnh
việc học tập kỹ thuật, trau dồi nghề nghiệp, phổ biến sâu rộng các kinh nghiệm
tiên tiến.
a) Cần đẩy mạnh việc học tập thường
xuyên về kỹ thuật, nghiệp vụ, chú ý giáo dục sâu rộng cho công nhân những kiến
thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất, xây dựng, về quy trình công nghệ, vv…trước hết
là phải giáo dục những điều mà công nhân cần nắm để áp dụng trong những việc
hàng ngày. Trong việc bồi dưỡng kỹ thuật cho công nhân phải giao trách nhiệm và
giúp đỡ kế hoạch, tài liệu cho các tổ sản xuất. Phải chú ý phổ biến những kinh
nghiệm tiền tiến đã có trong đơn vị, của đơn vị khác, của các nước bạn và của
chuyên gia bạn.
b) Lãnh đạo quần chúng học tập,
liên hệ với thực tế, so sánh, tranh luận, phân tích về các kinh nghiệm tiền tiến
để khắc phục tư tưởng bảo thủ và tập quán lạc hậu, mạnh dạn tham gia ý kiến vào
việc hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Ở các cơ sở sản xuất thủ
công cần đẩy mạnh việc cải tiến công cụ sản xuất, bán cơ giới hóa và cơ giới
hóa dần việc sản xuất.
3. Cải tiến
và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ
sung và xây dựng các chế độ thể lệ cần thiết.
Dựa trên cơ sở phát động tư tưởng
quần chúng, giáo dục kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất và phổ biến kinh
nghiệm sản xuất tiên tiến, căn cứ vào điều kiện và khả năng hiện có về hợp
lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật mà cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh
tế, kỹ thuật chủ yếu và tiêu chuẩn kỹ thuật dưới đây:
a) Chỉ tiêu về hiệu suất sử dụng
máy móc, phương tiện, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc vận hành máy móc phương tiện.
b) Chỉ tiêu về thời gian lao động
cho mỗi đơn vị sản phẩm hoặc số lượng sản phẩm cho mỗi đơn vị thời gian lao động.
c) Chỉ tiêu về sử dụng nguyên liệu,
vật liệu, nhiên liệu, điện lực.
d) Tiêu chuẩn chất lượng thành
phẩm và bán thành phẩm. Tỷ lệ thành phẩm và phế phẩm.
Cải tiến và xây dựng những chỉ
tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật trên đây là nhằm thực hiện đầy đủ
phương châm “sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, cho nên phải chú ý cả bốn loại chỉ
tiêu và tiêu chuẩn, không được coi nhẹ một loại chỉ tiêu và tiêu chuẩn nào (ví
dụ: chỉ coi trọng chỉ tiêu sản lượng, coi nhẹ tiêu chuẩn chất lượng hoặc nguyên
liệu, …).
Trong các chỉ tiêu kinh tế, kỹ
thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật nói trên, cái nào đã có và xét ra đã quy định sát
đúng thì cần có biện pháp đẩy mạnh thực hiện và thực hiện vượt mức; cái nào
không sát thì phải sửa đổi, nâng cao; cái nào chưa có thì phải xây dựng.
Đối với những chỉ tiêu kinh tế,
kỹ thuật quan trọng, sau khi được xí nghiệp, công trường xây dựng hoặc cải tiến,
các Bộ và Tổng cục phải phê chuẩn kịp thời và uốn nắn lại nếu chưa đúng. Các Bộ,
các Tổng cục và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần nghiên cứu đề nghị Chính phủ ban
hành một số chỉ tiêu và tiêu chuẩn thống nhất trong các ngành sản xuất, xây dựng,
vận tải, lấy đó làm căn cứ để tính kế hoạch, sửa đổi những tiêu chuẩn và tiêu
chuẩn cũ không còn phù hợp với thực tế, đồng thời nghiên cứu để trình
Chính phủ ban hành các chế độ quyền hạn trách nhiệm về quản lý các chỉ tiêu
kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật ở xí nghiệp, công trường.
Để đảm bảo việc thực hiện các chỉ
tiêu và tiêu chuẩn đã đề ra, các xí nghiệp, công trường cần phải nghiên cứu cải
tiến, bổ sung hoặc xây dựng các thể lệ, chế độ cần thiết như: chế độ bảo quản,
bảo dưỡng, kiểm tra, tu sửa máy móc, phương tiện, quy tắc thao tác máy móc,
phương tiện, quy trình công nghệ đối với từng loại sản phẩm, chế độ trách nhiệm
cá nhân trong tổ sản xuất, chế độ sử dụng, bảo quản, cung cấp nguyên liệu, vật
liệu, quy tắc an toàn, vệ sinh lao động trong mỗi bộ phận sản xuất, vv…
Các Bộ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
cần nhân việc cải tiến và xây dựng chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ
thuật xem xét lại các chế độ thể lệ và các mặt như quản lý tài vụ, kế hoạch,
cung cấp, vận tải, thi hành các chế độ hợp đồng kinh tế, vv… phát hiện ra những
điểm thiếu sót để bổ sung, cải tiến nhằm phục vụ tốt cho việc quản lý sản xuất
và xây dựng.
4. Củng cố
các tổ sản xuất, các tổ chức kỹ thuật, nghiệp vụ.
Để bảo đảm cho việc thực hiện
các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Cần phải củng cố và tăng
cường lãnh đạo các tổ sản xuất. Tổ sản xuất là cơ sở để quản lý xí nghiệp
được tốt, là khởi điểm phát động mọi phong trào quần chúng. Muốn củng cố và
tăng cường lãnh đạo các tổ sản xuất, phải sắp xếp hợp lý sức lao động, giảm bớt
những bộ phận cồng kềnh sử dụng lãng phí nhân lực, tăng cường cho các bộ phận
còn yếu kém; phải cất nhắc, đề bạt những phần tử tiên tiến trong công nhân lên
cương vị phụ trách các tổ sản xuất, bồi dưỡng cho họ về công tác quản lý các tổ
sản xuất, nhất là về mặt quản lý các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ
thuật trong tổ sản xuất, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ sản xuất
trong việc quản lý các tiêu chuẩn và chỉ tiêu đã quy định.
Trong khi sắp xếp hợp lý sức lao
động, nếu thừa người không có chỗ sắp xếp thì phải do Bộ chủ quản điều chỉnh
trong Bộ hoặc đề nghị cơ quan Lao động giải quyết, không được thải dãn công
nhân một cách bừa bãi.
Đối với các tổ chức kỹ thuật
nghiệp vụ giúp việc cho Giám đốc xí nghiệp quản lý kinh tế và kỹ thuật, cũng phải
chú ý tăng cường lãnh đạo làm cho các bộ phận đó liên hệ chặt chẽ với công
nhân, đi sát thực tế sản xuất của xí nghiệp công trường. Phải quy định rõ quyền
hạn, trách nhiệm của các tổ chức đó và quy định chế độ tham gia lao động sản xuất
cho tất cả cán bộ lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ, đồng thời vạch rõ nội
dung, yêu cầu của việc tham gia lao động đối với từng bộ phận cán bộ, nhân
viên.
Trên đây là nội dung và yêu cầu
chủ yếu của việc cải tiến xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn
kỹ thuật. Các ngành, các cấp căn cứ vào nội dung và yêu cầu đó, kết hợp với
tình hình cụ thể từng ngành và địa phương, cần vạch ra kế hoạch các bước công
tác thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Trong khi vạch kế hoạch tiến
hành, cần chú ý mấy điểm:
1. Trước khi đi vào việc cải tiến
và xây dựng các chỉ tiêu và tiêu chuẩn, phải phát động mạnh mẽ tư tưởng của cán
bộ và quần chúng. Phải chú ý làm thông tư tưởng của cán bộ và đảng viên trước
thì mới phát động được quần chúng công nhân.
2. Phải làm tốt công tác chuẩn bị
về các mặt: chuẩn bị sưu tầm tài liệu cũ về tiêu chuẩn định mức cũ, về quản lý
kinh tế, kỹ thuật, về khả năng tiềm tàng của xí nghiệp, công trường; chuẩn bị
nguyên liệu, vật liệu, sửa chữa máy móc, phương tiện cho tốt. Nhưng việc chuẩn
bị phải kết hợp với phát động tư tưởng, không nên đợi chuẩn bị xong mới phát động
quần chúng làm cho công tác bị kéo dài.
3. Mục đích của việc phát động
quần chúng công nhân là cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật; việc hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật cần đề
ra phục vụ cho việc cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu trung bình tiên tiến,
nhưng không nên đề ra yêu cầu quá cao. Sau này khi đã có các chỉ tiêu kinh tế,
kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến rồi, vẫn còn cần phải tiếp tục cải tiến
kỹ thuật để không ngừng nâng cao các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ
thuật.
4. Trong bước kết thúc công tác
này, cần kết hợp với việc tổng kết, khen thưởng mà tiếp tục phát động phong
trào thi đua vượt mức và phá kỷ lục sản xuất, không nên để phong trào quần
chúng ngừng lại sau khi kết thúc.
IV. MẤY VIỆC
CẦN CHÚ Ý VỀ MẶT LÃNH ĐẠO
Trong khi lãnh đạo công tác này,
các ngành và địa phương cần chú ý nắm vững mấy phương châm và nguyên tắc sau
đây:
1. Phải lấy lãnh đạo tư tưởng
và chính trị dẫn đầu, kết hợp lãnh đạo chính trị với lãnh đạo kinh tế, kỹ thuật.
Phải tăng cường sự lãnh đạo của các Đảng ủy và Chi bộ Đảng, chú ý phát huy
vai trò của Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động, nhất là phải biết sử dụng lớp
thanh niên làm đầu tàu trong khi phát động quần chúng.
2. Nắm vững lãnh đạo trọng điểm,
thúc đẩy toàn diện. Lãnh đạo của Bộ, Tổng cục, địa phương phải chọn lấy những
xí nghiệp, công trường chủ yếu làm trọng điểm. Mỗi đơn vị xí nghiệp, công trường
lại phải chọn những khâu chủ yếu trong toàn bộ dây chuyền sản xuất làm trọng điểm
để rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào chung. Các cán bộ lãnh đạo của đơn vị xí
nghiệp, công trường nhất thiết phải đi sâu vào công tác ở trọng điểm, thực hiện
“4 cùng” (cùng ăn, ở, lao động, bàn bạc với công nhân), để tìm hiểu tình hình lắng
nghe ý kiến của quần chúng, đặng có cơ sở thực tế, khi quyết định các vấn đề hợp
lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến và xây dựng các tiêu chuẩn, định mức.
3. Phải kết hợp chặt chẽ công
tác này với việc thực hiện kế hoạch sản xuất và các công tác khác. Trong
khi tiến hành công tác này, phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua đẩy mạnh
sản xuất để phát huy thắng lợi của Đại hội Đảng, không được làm trở ngại sản xuất.
Phải vận dụng những hình thức vận động nhẹ nhàng, linh hoạt nhưng sâu sắc,
tránh hội họp quá nhiều hoặc quá dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của quần chúng
và có hại cho sản xuất.
4. Phải dựa hẳn vào quần
chúng công nhân, đi đường lối quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo,
chuyên môn và quần chúng.
Một mặt phải đề phòng và khắc phục
tư tưởng bảo thủ, ngại khó, không lắng nghe ý kiến của quần chúng trong việc
nâng cao các chỉ tiêu, các tiêu chuẩn và hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật,
nhưng mặt khác cũng phải đề phòng khuynh hướng đưa các chỉ tiêu và tiêu chuẩn
lên cao quá khả năng thực tế, gây ra khó khăn trở ngại và khiến quần chúng
không thực hiện được. Việc cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật
và tiêu chuẩn kỹ thuật phải căn cứ vào hoàn cảnh thực tế và dựa vào các mức
trung bình tiên tiến của xí nghiệp công trường, đồng thời phải dựa vào các chỉ
tiêu tiêu chuẩn chung của toàn ngành, của xí nghiệp, công trường khác. Trong
trường hợp đã có chỉ tiêu, tiêu chuẩn của Nhà nước hoặc của Bộ ban hành, thì chỉ
tiêu, tiêu chuẩn của xí nghiệp, công trường không được thấp hơn các chỉ tiêu,
tiêu chuẩn đó.
5. Phải chú trọng đảm bảo những
lợi ích vật chất của công nhân trên cơ sở những chính sách chế độ đã ban hành.
Chú trọng mở rộng diện thi hành lương khoán ở những nơi, những việc có điều kiện
khoán đối với những việc đã thi hành lương khoán, khi sửa đổi mức chỉ tiêu năng
suất và do đó phải sửa đổi mức khoán thì phải chú ý đảm bảo tỷ lệ khuyến khích
năng suất cho công nhân; đối với công nhân làm đêm, làm nóng, có hại cho sức khỏe,
phải có biện pháp thi hành đầy đủ các chế độ bồi dưỡng sức khỏe công nhân.
V. TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC NGÀNH VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Để lãnh đạo công tác này thu được
kết quả tốt, các ngành, các địa phương đều phải thi hành đầy đủ trách nhiệm của
mình:
1. Cán bộ lãnh đạo các Bộ, các Tổng
cục chủ quản các đơn vị sản xuất, xây dựng, vận tải đều phải nghiên cứu kỹ Chỉ
thị này và thiết thực tham gia lãnh đạo công tác cải tiến và xây dựng các chỉ
tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành mình, phải trực tiếp
đi xuống giúp đỡ, hướng dẫn các đơn vị bên dưới chỉ đạo công tác được tốt.
2. Các Bộ và Tổng cục phải phát
huy tác dụng của các cơ quan kỹ thuật, nghiệp vụ giúp cho Bộ lãnh đạo tốt công
tác này. Các cơ quan đó phải cử cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ xuống các đơn vị để
theo dõi phong trào, giúp đỡ cấp dưới, tham khảo tài liệu, học tập quần chúng,
đồng thời giúp Bộ hoặc Tổng cục nghiên cứu bổ sung các thể lệ, chế độ cần thiết.
Các Bộ cần theo dõi chặt chẽ, tổ chức việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm được
tốt và kịp thời.
3. Các cấp chính quyền, đoàn thể
ở các địa phương cần phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các Bộ chủ quản để
đẩy mạnh công tác này trong các xí nghiệp công trường ở địa phương.
4. Các Bộ Lao động, Tài chính,
Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học Nhà nước
cần có kế hoạch phục vụ cho công tác này trong phạm vi trách nhiệm và nghiệp vụ
của mình, nhất là phải chú ý việc nghiên cứu cải tiến các thể lệ, chế độ cần
thiết, việc tuyên truyền giáo dục quần chúng, việc giúp đỡ các cơ sở sản
xuất và các Bộ khác giải quyết các vấn đề khoa học, kỹ thuật, các vấn đề về lao
động và tiền lương, vv…
5. Tổng Liên đoàn Lao động, các
đoàn thể thanh niên và phụ nữ cần có kế hoạch tuyên truyền, động viên, giáo dục
quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng công tác này và giao trách nhiệm cho cán
bộ các cấp trực tiếp tham gia công tác ở cơ sở.
6. Sở Báo chí, Cục Truyền thanh
và Việt Nam Thông tấn xã căn cứ yêu cầu và nội dung của công tác này đặt kế hoạch
tuyên truyền, giáo dục quần chúng và thông báo tin tức về tình hình kết quả.
7. Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ
tướng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này và giúp đỡ Thủ
tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|